Theo Tổng thống Nga Putin, việc nước này trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép vắc-xin Covid-19 là bằng chứng cho sức mạnh khoa học to lớn của Nga.
Bước tiến y học này sẽ mở đường cho việc tiến hành tiêm chủng hàng loạt dành cho người dân Nga, ngay cả khi giai đoạn cuối của các thử nghiệm lâm sàng nhằm kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin vẫn đang tiếp tục.
Việc đẩy nhanh tiến độ cho vắc-xin Covid-19 là động thái cho thấy quyết tâm giành chiến thắng của Nga trong cuộc đua toàn cầu đối với chế phẩm sinh học này. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại nước Nga phải chăng đang đặt “thanh thế” của đất nước lên trước khoa học và sự an toàn.
Phát biểu tại một cuộc họp thường kỳ của chính phủ, Tổng thống Putin cho biết vắc-xin chống Covid-19 được phát triển bởi Viện Gamaleya tại thủ đô Moscow rất an toàn, và thậm chí đã được tiêm thử nghiệm trên một trong hai con gái của ông.
“Tôi biết rằng vắc-xin khá có hiệu quả, tăng cường hệ miễn dịch, và như tôi từng nói, vắc-xin đã vượt qua tất cả những kiểm tra cần thiết”, ông Putin nói. Ông cũng hy vọng nước Nga sẽ nhanh chóng tiến hành sản xuất hàng loạt loại vắc-xin này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Việc cấp phép vắc-xin Covid-19 là bằng chứng cho thấy sức mạnh to lớn của khoa học nước Nga." Ảnh: Reuters
Việc Bộ Y tế Nga cấp phép cho vắc-xin là dấu hiệu đầu tiên, báo trước giai đoạn thử nghiệm lớn hơn với hàng ngàn người tham gia, thường được gọi là giai đoạn III.
Những thử nghiệm này đòi hỏi phải có một tỷ lệ nhất định người tham gia có virus trong cơ thể để quan sát hiệu quả của vắc-xin. Đây thường được xem là bước khởi đầu để vắc-xin nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.
Mặc dù cơ quan quản lý việc cấp phép vắc-xin tại nhiều nước trên khắp thế giới khẳng định rằng việc gấp rút phát triển vắc-xin Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn, nhưng các cuộc khảo sát gần đây lại cho thấy công chúng thì lại không tin như vậy.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết các nhân viên y tế Nga đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ có cơ hội trở thành tình nguyện viên tiêm vắc-xin ngay sau khi vắc-xin được thông qua.
Hiện tại, có đến hơn 100 loại vắc-xin đang được phát triển trên khắp thế giới trong cuộc đua nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có ít nhất 4 loại vắc-xin đang trong giai đoạn III - giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm trên người.