Hãng tin Sputnik ngày 26/6 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã biểu quyết thông qua việc tạm ngừng kết nạp thành viên.
Động thái này nhằm tạo điều kiện cho nhóm này hoàn tất việc hội nhập bốn thành viên mới là Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào các cơ chế hợp tác của nhóm này.
Với bốn thành viên mới trên, tổng số thành viên của BRICS tăng lên 9 nước. Saudi Arabia cũng đã được mời gia nhập, nhưng đến nay chưa chính thức đồng ý hay từ chối lời mời trên.
Quyết định trên được đưa ra tại Hội nghị ngoại trưởng các nước BRICS ở thành phố Nizhny Novgorod, Nga các ngày 10 và 11/6. Riyadh cũng tham dự hội nghị này với tư cách nước đã được mời tham dự nhóm và có quyền biểu quyết trong hội nghị.
"Với đa số phiếu áp đảo trong "Nhóm 10 nước", BRICS đã quyết định tạm dừng kết nạp các thành viên mới tập trung vào việc giúp các nước mới gia nhập khối (hồi đầu năm) hòa nhập vào nhóm", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga khẳng định nhóm này cũng sẽ tranh thủ thời gian nghỉ để phân loại đầy đủ các nước đối tác có tiềm năng gia nhập BRICS. Thời gian này là bước đệm cho các nước tiến đến tư cách thành viên hoàn toàn.
Ngày 4/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho hay Ankara muốn gia nhập BRICS và sẽ theo dõi những diễn biến trong tổ chức này. Một số quốc gia khác, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Bolivia, cũng bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức.
BRICS được thành lập vào năm 2009 như một nền tảng hợp tác cho các nền kinh tế mới nổi lớn nhất, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2010. Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối vào ngày 1/1/2024.