Nga và Trung Quốc bị tố tung tin giả để hạ uy tín của vắc xin các nước phương Tây

(VOH) - Hai quốc gia là Nga và Trung Quốc bị tố tung tin giả để hạ uy tín của vắc xin các nước phương Tây và tâng bốc vắc xin của nước mình.

Một báo cáo do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 28/4 cho biết, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc và Nga đang phát tán những thông tin sai sự thật một cách có hệ thống nhằm làm giảm lòng tin của mọi người đối với vắc xin ngừa Covid-19 của các nước phương Tây và gây chia rẽ các nước này.

Theo hãng tin Reuters, một báo cáo nghiên cứu của EU cho biết từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc và Nga đã đăng tải những tin tức giả trên mạng Internet bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và đưa tin giật gân về vấn đề an toàn của vắc xin.

Các hãng truyền thông này đã liên hệ việc tiêm vắc xin với các trường hợp tử vong tại châu Âu lại với nhau một cách vô căn cứ, đồng thời ra sức tuyên truyền về tính ưu việt của vắc xin do Nga và Trung Quốc sản xuất.

Vắc xin ngừa Covid-19
Vắc xin ngừa Covid-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học Biotech (Đức) hợp tác sản xuất. (Ảnh: AFP via Getty Images)

Xem thêm: Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin COVID-19

Hiện Nga và Trung Quốc đều lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên của EU và nói rằng EU thường xuyên công bố các báo cáo theo định kỳ và tìm cách hợp tác với các hãng cộng nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter và Microsoft để hạn chế việc phát tán những tin tức giả.

Báo cáo trên được đưa ra bởi bộ phận chống tin giả của Cơ quan Đối ngoại (EEAS), cho biết chính sách ngoại giao vắc xin của Nga và Trung Quốc dựa trên logic của trò chơi có tổng bằng 0, kết hợp việc phát tán thông tin sai lệch với việc thao túng dư luận nhằm làm giảm lòng tin của mọi người đối với vắc xin do phương Tây sản xuất.

Báo cáo cho biết Nga và Trung Quốc đều đang lợi dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội do nhà nước kiểm soát, bao gồm các tài khoản ngoại giao chính thức, để đạt được những mục tiêu này. Để minh chứng cho những cáo buộc trên, báo cáo đã trích dẫn 100 ví dụ từ Nga trong năm nay.

EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO) thường xuyên cáo buộc Nga tiến hành các hành động bí mật, bao gồm cả việc tung tin đồn, tạo sự chia rẽ trong xã hội, nhằm phá hoại sự ổn định của các nước phương Tây.

Báo cáo nói rằng, việc cung cấp vắc xin của hãng AstraZeneca cũng như các tác dụng phụ hiếm gặp của vắc xin này và vắc xin của Johnson & Johnson đều bị các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và Nga khai thác triệt để nhằm làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Các phương tiện truyền thông này đã khuếch đại về cái gọi là tác dụng phụ của vắc xin phương Tây, đưa tin xuyên tạc và giật gân trên các phương tiện truyền thông quốc tế và liên hệ các trường hợp tử vong ở Na Uy, Tây Ban Nha và những nơi khác với vắc xin do hãng dược Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học Biotech của Đức hợp tác sản xuất.