Chờ...

Ngày 4/10: Thế giới có thêm 297.660 ca nhiễm mới Covid-19

(VOH) - Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 297.660 ca nhiễm mới Covid-19 và 4.502 ca tử vong.

Theo worldometers, chỉ trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 297.660 ca nhiễm mới Covid-19 và 4.502 ca tử vong. Như vậy đến ngày 4/10/2021, toàn thế giới ghi nhận 235.695.041 ca nhiễm Covid-19, khoảng 4.815.407 người tử vong và 212.553.119 được chữa khỏi.

covid-19

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil năm 2020 (Ảnh: AFP)

Nước Mỹ - nơi đã ghi nhận 44.516.450 ca nhiễm và 719.925 ca tử vong – mặc dù là vùng dịch lớn nhất thế giới nhưng diễn biến của dịch bệnh tại nước này đã có chiều hướng tích cực hơn khi số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày giảm.

Tổng thống Joe Biden đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy tốc độ tiêm vắc xin trên toàn quốc, yêu cầu bắt buộc tiêm vắc xin đối với nhân viên nhà nước, các nhà thầu làm việc với chính phủ và nhân viên y tế. Theo quy định mới, Bộ Lao động Mỹ cũng yêu cầu tất cả doanh nghiệp có 100 nhân viên trở lên phải đảm bảo người lao động của họ phải được tiêm chủng hoặc xét nghiệm mỗi tuần một lần.

Alaska Airlines và JetBlue Airways là hai hãng hàng không mới nhất đưa ra thông báo yêu cầu toàn bộ nhân viên tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy các hãng hàng không lớn của Mỹ áp dụng yêu cầu tiêm phòng đối với nhân viên của họ.

Delta Air Lines vẫn đang cân nhắc yêu cầu của chính phủ. Hãng hàng không này trước đó cho biết họ sẽ yêu cầu nhân viên tiêm phòng hoặc xét nghiệm hàng tuần, đồng thời thu phí phát sinh của những nhân viên chưa tiêm phòng. 

Tại khu vực Mỹ Latinh, Peru thông báo sẽ triển khai tiêm mũi thứ 3 vắc xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già trên 65 tuổi và các bệnh nhận có bệnh lý nền, sử dụng các loại vắc xin Pfizer và AstraZeneca. Hiện tại, tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, theo đó cứ 100.000 người thì có 605 ca tử vong.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 199.000 người Peru đã tử vong vì căn bệnh này trong tổng số hơn 2 triệu người mắc. Hiện có khoảng 32% dân số Peru, tương đương 10 triệu người, đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Tại Italy, ngày 3/10 có 2.968 ca mắc Covid-19 mới và 33 ca tử vong. Cho đến nay, Italy đã ghi nhận 131.031 ca tử vong liên quan đến Covid-19, cao thứ hai ở châu Âu sau Anh và đứng thứ 9 thế giới. Bộ Y tế nước này đã bật đèn xanh cho người dân được phép tiêm vắc xin phòng Covid-19 và vắc xin phòng cúm cùng một lúc.

Quyết định trên được Bộ Y tế Italy đưa ra sau khi kết quả một nghiên cứu của Anh cho thấy mọi người có thể an toàn khi đồng thời tiêm vắc xin phòng Covid-19 và vắc xin phòng cúm bởi vì việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng miễn dịch do hai loại vắc xin tạo ra.

Trước đó, Chính phủ Italy cũng đã công nhận tất cả các phiên bản của vắc xin AstraZeneca, khác với phiên bản đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt, bao gồm Covishield (Viện Huyết thanh của Ấn Độ), R-CoVI (R-Pharm) và vắc xin Covid-19 tái tổ hợp (Fiocruz).

Điều này có nghĩa là tất cả những người đã được tiêm phòng Covid-19 bằng 3 phiên bản vắc xin AstraZeneca trên đây đều được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh vào Italy.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Italy cho biết “các giấy chứng nhận được các cơ quan y tế ở Canada, Nhật Bản, Israel, Anh và Mỹ, cũng như các giấy chứng nhận do các cơ quan y tế nước ngoài cấp sau khi được tiêm chủng bằng vắc xin được EMA phê duyệt, cũng như 3 loại vắc xin trên được công nhận là tương đương với chứng chỉ xanh kỹ thuật số của Italy và EU.”

Tuy nhiên, giấy chứng nhận tiêm chủng do cơ quan y tế nước ngoài cấp chỉ có hiệu lực nếu được cấp bằng tiếng Italy, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Đức. Ngoài ra, trên giấy chứng nhận tiêm chủng phải có đầy đủ các thông tin: tên và họ người được cấp, tên vắc xin đã được sử dụng, tên của nhà sản xuất vắc xin, ngày tiêm vắc xin, tên cơ quan phát hành giấy chứng nhận, tên quốc gia phát hành giấy chứng nhận.

Tại Campuchia, trong ngày 3/10, ghi nhận thêm 199 ca dương tính với Covid-19 và 23 ca tử vong vì dịch bệnh.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 3/10 kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp đề phòng để ngăn bùng phát lây nhiễm Covid-19 quy mô lớn trong dịp lễ Pchum Ben diễn ra từ ngày 5-7/10. Pchum Ben là dịp lễ lớn thứ hai trong năm của người Campuchia chỉ sau Tết Chol Chnam Thmay truyền thống. Mặc dù các hoạt động lễ hội đã bị hủy bỏ để ngăn dịch lây lan, song nhân viên các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn được nghỉ lễ 3 ngày.

Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo giới chức địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa đối với những doanh nghiệp lữ hành và các khu nghỉ dưỡng trong dịp lễ; khuyến khích các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên khi họ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ.

Lào ghi nhận 301 ca mắc mới, trong đó có 296 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ Y tế Lào cũng thông báo ghi nhận thêm 2 ca tử vong do Covid-19, cả hai trường hợp đều là người chưa tiêm vắc xin. Như vậy, tổng số ca Covid-19 tại Lào lên tới 25.217 ca, trong đó có 22 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào cho biết, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại thủ đô Viêng Chăn khi thành phố này ghi nhận 150 ca cộng đồng trong một ngày. Theo đó, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 cho đến ngày 15/10.

Malaysia ghi nhận 9.066 ca mắc mới Covid-19, mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua, đồng thời cũng là lần đầu tiên trong gần 3 tháng số ca nhiễm mới về mức 4 con số. Bang Sarawak vẫn là địa phương đứng đầu Malaysia về số ca nhiễm mới, với 1.418 ca, nhưng đây cũng là mức thấp nhất bang này ghi nhận trong 45 ngày qua.

Một số địa phương khác như bang Johor, Penang, Kelantan và Perak cũng ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong khoảng 2 tuần. Đến nay Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.277.565 ca bệnh.

Tại châu Đại Dương, New Zealand siết chặt các biện pháp hạn chế tại biên giới trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng tại các khu vực trước đây chưa từng ghi nhận dịch bệnh. Theo đó, các du khách nước ngoài từ 17 tuổi trở lên phải tiêm phòng đầy đủ nếu muốn nhập cảnh bằng đường hàng không. Hãng hàng không quốc gia Air New Zealand thông báo sẽ triển khai chính sách "không tiêm không bay" đối với hành khách trên tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/2 tới.

New Zealand đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ghi nhận 27 ca tử vong trong tổng số 5 triệu dân. Cuộc sống của người dân phần lớn đã được nối lại như trước đại dịch. Tuy nhiên, nhà chức trách quyết định tăng cường các biện pháp hạn chế trong bối cảnh thành phố Hamilton và thị trấn Raglan lân cận phải phong tỏa 5 ngày do ghi nhận 2 ca mắc mới.