Tình hình hiện tại ở Trung Đông được ví như "chảo lửa" bởi các diễn biến và sự kiện phức tạp dồn dập xảy đến trong vòng vài ngày qua. Mở đầu là sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng quân sự hàng đầu Iran Qasem Soleimani vào thứ sáu tuần trước. Tiếp theo là hành động mà phía Iran gọi là nhằm mục đích trả thù, "cú tát vào mặt Mỹ" khi tiến hành nã khoảng 15 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự Mỹ Ain Al-Asad và Erbil ở Iraq.
Sự kiện cuối cùng, tính cho đến hôm nay, đã gây chấn động toàn thế giới là việc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine bất ngờ bị rơi và nổ tung sau khi cất cánh từ Tehran, khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng. Máy bay được cho là đã gặp trục trặc kỹ thuật, tuy nhiên theo các báo cáo thì chỉ mới được bảo dưỡng 2 ngày trước thảm kịch. Điều này đã đặt ra giả thiết liệu có hay không việc máy bay xấu số lọt vào tầm ngắm tấn công giữa lúc căng thẳng lên đến đỉnh điểm giữa hai nước Mỹ - Iran.
Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã lập tức điều chỉnh đường bay tránh không phận Trung Đông sau thảm kịch trên. Mặc dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo vẫn giữ nguyên lịch trình bay đến khu vực nguy hiểm này - theo đài truyền hình quốc gia NHK. Theo kế hoạch, ông sẽ đến thăm và làm việc tại Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Oman bắt đầu từ cuối tuần này. Trước đó cũng có thông tin cho biết kế hoạch công du của ông Abe sẽ bị hoãn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 24/12/2019. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản cũng đã nhiều lần đề xuất triển khai các lực lượng quân đội phòng vệ đến Trung Đông để đảm bảo an toàn cho các tàu dầu tại đây của Nhật.
Vào tháng trước, chính phủ của ông Abe cũng đã công bố kế hoạch sẽ gửi tàu chiến và máy bay tuần tra đến Trung Đông. Đây là khu vực chứa hơn 90% trữ lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản.
Nhật Bản vừa là đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á, vừa là quốc gia có mối quan hệ ngoại giao hữu hảo với Iran. Nhật Bản cũng từng từ chối tham gia liên minh bảo vệ hàng hải bảo trong khu vực do Mỹ dẫn đầu, thay vào đó nước này lựa chọn sẽ tự mình tiến hành nhiệm vụ trên.