Nguy cơ bùng phát tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước vì nguồn nước?

(VOH) - Việc khan hiếm nguồn nước khiến Trung Quốc thiệt hại mỗi năm hơn 100 tỷ USD và phải trả giá đắt hơn cho việc tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm gia tăng những căng thẳng quốc tế.

Một chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng cho biết, trong số các vấn đề tại Trung Quốc, vấn đề khủng hoảng nguồn nước có thể là cấp bách nhất và có thể dẫn đến các cuộc xung đột lớn giữa Trung Quốc với các nước khác tại châu Á.

Trong một bài viết được hãng tin Bloomberg giới thiệu, giáo sư Hal Brands tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins và là học giả chuyên nghiên cứu các vấn đề ngoại giao va quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nói rằng tài nguyên thiên nhiên luôn là "chìa khóa của nền kinh tế và sức mạnh toàn cầu".

Nguy cơ bùng phát tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước khi nguồn nước tại Trung Quốc đang cạn kiệ 1
Khói trắng dày đặc bốc lên từ các ống khói của một nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc bên cạnh một con sông ô nhiễm. (Ảnh: Getty Images)

Bài viết dẫn lời nhà sử học Geoffrey Parker nói rằng trong cuộc khủng hoảng toàn cầu vào thế kỷ 17, sự thay đổi không ngừng của mô hình thời tiết đã dẫn đến các cuộc chiến tranh, cách mạng và bất ổn.

Vào thế kỷ 19, nước Anh dưới thời Cách mạng Công nghiệp đã vượt xa các nước khác vì sở hữu nguồn tài nguyên than phong phú.

"Cuối cùng Anh đã bị Mỹ vượt mặt vì Mỹ có diện tích đất canh tác rộng lớn, có nhiều dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác, và trở thành gã khổng lồ về kinh tế." Ông Brands cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng sẽ như thế.

Ông nói, trước đây Trung Quốc luôn tự chủ về đất đai, nguồn nước và nhiều nguyên liệu thô, cộng với giá nhân công rẻ, khiến nước này trở thành công xưởng của thế giới.

"Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Trung Quốc đã là chuyện của quá khứ". Ông Brands cho rằng, các nguồn tài nguyên của Trung Quốc gần như cạn kiệt, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu nông sản và năng lượng lớn nhất thế giới.

Dự án chuyển hướng sông ở Tân Cương Khi Mỹ trở thành nước xuất khẩu năng lượng ròng, 3/4 lượng dầu mỏ của Trung Quốc phải mua từ nước ngoài", bài báo viết.

Brands cho rằng trong số tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, "vấn đề tài nguyên nước của Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng".

Trung Quốc chiếm đến 20% dân số thế giới, nhưng nguồn nướt ngọt chỉ chiếm 7%. Hàng ngàn con sông đã biến mất, công nghiệp và sự ô nhiễm đã hủy hoại hầu hết các nguồn nước còn lại, và nhiều vùng đất đã bị sa mạc hóa do khai hoang không đúng cách.

Bài báo cho biết, theo ước tính, 80% - 90% nguồn nước ngầm và khoảng một nửa trong số các con sông tại Trung Quốc quá bẩn, không thể dùng để uống; hơn một nửa các nguồn nước ngầm và 1/4 nguồn nước tại các con sông thậm chí không thể sử dụng để phục vụ cho sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp.

Việc khan hiếm nguồn nước khiến Trung Quốc thiệt hại mỗi năm hơn 100 tỷ USD và phải trả giá đắt hơn cho việc tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm gia tăng những căng thẳng quốc tế.

Các nhà quan sát lo ngại rằng khi Trung Quốc cảm thấy không an toàn trước những vấn đề ở trong nước, có thể họ sẽ cố tình gây ra các cuộc xung đột quốc tế. Cho dù họ không làm như thế, bản thân vấn đề nguồn nước cũng sẽ gây ra các tranh chấp về địa chính trị.

Phần lớn các nguồn nước ngọt ở Trung Quốc đều tập trung ở Tây Tạng, vùng đất đã thuộc về Trung Quốc vào năm 1949.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã xây hàng loạt các đập thủy điện lớn tại khu vực thượng nguồn sông Mekong, gây ra các vụ hạn hán và lũ lụt thường xuyên tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào… Ngoài ra, dự án chuyển hướng dòng nước ở Tân Cương đã gây ra những ảnh hưởng mang tính tàn phá tại khu vực Trung Á.

Trung Quốc cũng dự định xây đập trên các con sông xuyên quốc gia ở dãy Himalaya để ngăn dòng nước chảy sang Ấn Độ và Bangladesh.

Ông Brands nhận định rằng khi Trung Quốc càng "đói khát", tình hình địa chính trị sẽ càng tồi tệ.

Bình luận