Chờ...

Nhật Bản báo cáo kết quả mẫu cá sau khi xả nước thải nhiễm phóng xạ

VOH - Ngày 26/8, Chính phủ Nhật Bản cho biết không phát hiện tritium trong các mẫu cá đầu tiên đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Đây là nơi bắt đầu tiến hành quá trình xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ ra biển từ ngày 24/8.

Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết các mẫu cá đầu tiên, cá bơn và cá bơn ô liu, đã được đánh bắt ngày 25/8 trong bán kính 5km từ cổng xả thải của nhà máy Fukushima, và không phát hiện tritium trong các mẫu cá này.

Cơ quan này sẽ tiếp tục lấy mẫu cá hằng ngày để phân tích và cập nhật kết quả sau 1 tháng.

Nhật Bản báo cáo kết quả mẫu cá sau khi xả nước thải nhiễm phóng xạ 1
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, đông bắc Nhật Bản, ngày 24/8 - Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Bộ Môi trường cũng thu thập các mẫu nước trong bán kính 50km tính từ nhà máy và sẽ thông báo kết quả vào ngày 27/8.

Ngày 25/8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, cũng khẳng định không phát hiện tritium trong các mẫu nước biển thu được từ khu vực xả nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

TEPCO cho biết sẽ duy trì việc lấy mẫu và phân tích nước biển hằng ngày trong vòng 1 tháng và đảm bảo công khai minh bạch các kết quả phân tích.

Nhà chức trách Nhật Bản và TEPCO hiện đang giám sát nồng độ tritium trong nước biển tại hơn 100 điểm ngoài khơi các tỉnh Fukushima, Miyagi và Ibaraki.

Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, khiến Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.

Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển. Nhật Bản cho biết nước thải nhiễm phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.

Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.