Nhật Bản: Chính quyền Tokyo chật vật đối phó với sự gia tăng của gấu mèo

VOH - Đường dây nóng đã được thiết lập ở thủ đô Nhật Bản để người dân báo cáo về việc nhìn thấy gấu mèo.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến giải quyết quần thể quạ khổng lồ háu ăn ở Tokyo, chính quyền thành phố này hiện đang chật vật với chiến dịch khó khăn hơn: kiềm chế mối đe dọa của gấu mèo Bắc Mỹ.

Theo các phương tiện truyền thông, số lượng gấu mèo bị bắt ở thủ đô Tokyo mỗi năm đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua. Nhiều người lo ngại về thiệt hại mà loài động vật này gây ra cho hệ sinh thái địa phương.

gau-meo-170524

Gấu mèo Bắc Mỹ từng được nuôi phổ biến làm thú cưng ở Tokyo, Nhật Bản, giờ đây trở thành loài gây hại sau khi trốn thoát và sinh sôi nảy nở trong tự nhiên - Ảnh: iStockphoto

Các thành phố ở phía tây Tokyo đã phản ứng bằng cách đặt bẫy và triển khai đường dây nóng cho những người dân phát hiện gấu mèo xâm nhập vào nhà hoặc gây thiệt hại về mùa màng.

Loài ăn tạp này không có nguồn gốc từ Nhật Bản. Chúng là một trong 156 loài nằm trong danh sách các sinh vật ngoại lai xâm lấn của Bộ môi trường Nhật Bản.

Tờ Mainichi Shimbun đưa tin, số lượng gấu mèo tăng vọt sau khi những con gấu mèo được nuôi làm thú cưng bị bỏ rơi hoặc trốn thoát, sau đó phát triển mạnh mẽ trong tự nhiên.

Chúng được nuôi như thú cưng sau bộ phim hoạt hình truyền hình những năm 1970, Rascal the Raccoon. Bộ phim đã dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu loài động vật này.

Gấu mèo chủ yếu được tìm thấy ở các khu vực đồi núi ở rìa phía tây của đô thị Tokyo, nơi chúng gây thiệt hại mùa màng trên diện rộng.

Loài động vật này không chỉ sinh sản nhanh phi thường, mà còn nhanh chóng thích nghi với môi trường xa lạ.

Theo chính quyền thành phố, tổng cộng 1.282 con gấu mèo đã bị bắt ở Tokyo trong năm tài chính kết thúc vào tháng 4/2023, so với 259 con bị bắt vào một thập kỷ trước đó.

Bộ Nông nghiệp cho biết, sự sinh sôi nảy nở của loài động vật này được phản ánh qua sự tàn phá mà chúng gây ra ở các vùng nông thôn. Chúng gây thiệt hại trị giá 450 triệu Yên (2,8 triệu USD) trong năm tài chính 2022.

Bộ Nông nghiệp cho biết, trái cây, rau quả và vật nuôi là thức ăn mục tiêu phổ biến nhất của loài này. Một số báo cáo cũng trích dẫn về việc gấu mèo ăn loài kỳ nhông Tokyo đang có nguy cơ tuyệt chủng - do môi trường sống tự nhiên của chúng bị tàn phá trong nhiều thập kỷ.

Vấn đề không chỉ giới hạn ở Tokyo, những lời phàn nàn về việc gấu mèo gây thiệt hại cho mùa màng, cơ sở hạ tầng, nhà cửa và vườn tược được báo cáo ở 47 tỉnh của Nhật Bản.

Bình luận