Nhật Bản chính thức thông qua kế hoạch xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển

(VOH) - Kế hoạch xả thải dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 2023. Quá trình này dự kiến sẽ mất từ 20-30 năm.

Theo hãng tin Kyodo, ngày 22/7, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã chính thức thông qua kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cho rằng kế hoạch này đảm bảo tính an toàn.

Tin cho hay, TEPCO sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, và kế hoạch xả thải dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 2023. Quá trình này dự kiến sẽ mất từ 20-30 năm.

Nhật Bản chính thức thông qua kế hoạch xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển 1
Các bồn chứa nước thải phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima - Ảnh: AP.

Theo kế hoạch, nước thải hạt nhân sẽ được làm loãng để hạ nồng độ tritium xuống dưới mức tiêu chuẩn rồi mới thải ra vùng biển cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 1 km thông qua một đường hầm dưới biển kết nối với khu chứa nước thải.

Tritium là đồng vị phóng xạ của Hydro, khó có thể phân tách khỏi nước. Nó tương đối vô hại vì không giải phóng đủ năng lượng để xuyên qua da người.

Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ Richter đã xảy ra ở ngoài khơi vùng đông bắc Nhật Bản, gây ra trận sóng thần dữ dội, khiến nhiều khu vực ven biển bị tàn phá, gây thiệt hại nặng nề và người và tổn thất lớn về kinh tế.

Do ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần, một lượng lớn chất phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 đã bị rò rỉ, gây ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau vụ nổ nhà máy Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Ngày 13/4/2021, tức sau hơn 10 năm xảy ra thảm họa động đất và sóng thần, chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ xả một lượng lớn nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý và được pha loãng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong nước, nhất là Hiệp hội nghề cá tỉnh Fukushima và Liên minh hợp tác xã nghề cá Quốc gia Nhật Bản. Ngoài ra, các nước láng giềng của Nhật Bản như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng phản đối mạnh mẽ quyết định trên.

Bình luận