Nhật Bản đang dẫn đầu chuyển đổi năng lượng ở châu Á như thế nào?

VOH - Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực rộng lớn, đa dạng và năng động. Nơi này có dân số 4,7 tỷ người, phần lớn là các quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Theo 1 số thống kê, năm 2023, châu Á Thái Bình Dương chiếm tới 47% tổng lượng điện tiêu thụ toàn cầu. Phần lớn đến từ nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Nhiều quốc gia, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn cao, trong bối cảnh cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng và giảm khí thải nhà kính.

c_Japan_reEner
Một trang trại điện gió ở Nhật Bản - Ảnh: Gems Engie

Hiện nay, 39 trên 49 quốc gia châu Á Thái Bình Dương đã đưa ra cột mốc trung hòa khí thải carbon, tức đưa mức phát thải ròng về 0. Theo nhiều phân tích, Nhật Bản là 1 trong những bên đáng chú ý để quan sát và học hỏi.

Những năm gần đây, Nhật Bản nỗ lực trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Xứ mặt trời mọc là điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các tập đoàn lớn tới xây dựng trung tâm dữ liệu (data center), nhất là để phục vụ những hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt. Không chỉ Nhật Bản, khắp nơi tại châu Á, lượng điện phục vụ hệ thống AI được dự đoán tăng gấp đôi vào năm 2026 so với 2023.

Cần lượng điện lớn trong lĩnh vực công nghệ, đặt ra yêu cầu phải phát triển năng lượng tái tạo, để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tiến tới giảm phát thải ròng về 0.

Mặc dù Nhật đã xây dựng năng lực công nghệ theo tiêu chuẩn toàn cầu, họ vẫn không ngừng đẩy mạnh đào sâu theo tiêu chuẩn riêng, để đẩy nhanh các mục tiêu về môi trường.

Năm 2021, Nhật Bản đặt kế hoạch đến 2030 sẽ giảm 46% lượng khí thải CO2 so với năm 2013, và năng lượng tái tạo chiếm từ 36% đến 38% tổng lượng điện quốc gia.

S&P Global Commodity Insights nhận xét, đường đi hiện tại cho thấy, năng lượng tái tạo đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu điện của Nhật.

Hiện nay mặc dù công nghệ khử carbon tiến bộ không ngừng, nhưng nhu cầu về điện cho các hệ thống AI đang vượt xa nguồn cung. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, Chính phủ Nhật Bản muốn hỗ trợ quan hệ công tư chặt chẽ hơn, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo.

Trên đảo Honshu, Amazon và Clean Energy Connect (CEC) đang thổi luồng sinh khí vào những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, bằng cách thiết lập nhà máy điện hạ thế phân tán, để cung cấp nhiều năng lượng tái tạo hơn. Hơn 500 nhà máy điện mặt trời nằm rải rác cung cấp năng lượng cho những thị trấn lân cận.

Theo ông Takahisa Kamata, một giám đốc nhà máy của CEC làm việc ở trang trại điện mặt trời do Amazon hỗ trợ, điều này góp phần quan trọng vào cuộc sống của cư dân, do có thể tiếp cận nguồn điện khẩn cấp trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Amazon gần đây công bố kế hoạch đầu tư trang trại điện gió khổng lồ có công suất 33 megawatt tại tỉnh Aomori, cùng với 1 trang trại điện mặt trời có công suất 9,5 megawatt tại tỉnh Yamaguchi.

Đến nay, Amazon đã triển khai khoảng 20 dự án điện mặt trời tại Nhật Bản, với tổng công suất 200.000 megawatt mỗi năm, đủ cung cấp điện cho 48.000 hộ gia đình. Từ 2014 đến 2022, thỏa thuận mua bán điện của Amazon tại Nhật đóng góp khoảng 1 tỷ yên vào GDP xứ hoa anh đào. Ngoài ra còn tạo ra hàng trăm việc làm.

Hiểu được sức mạnh của hợp tác công-tư, Nhật Bản có kế hoạch thu hút 150 nghìn tỷ yên (tương đương hơn 1.000 tỷ USD) đầu tư theo hình thức này trong thập kỷ tới. Dự kiến Nhật Bản sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới. Động thái mạnh mẽ trên, được thiết kế để chuyển đổi cấu trúc xã hội, kinh tế và công nghiệp, hướng đến không xả thải CO2, tạo động lực cho những chính phủ châu Á khác hướng tới mục tiêu khí hậu tương ứng.

Nhiều chuyên gia Nhật gợi ý, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, nên có chính sách khuyến khích PPA - tức thỏa thuận dài hạn giữa nhà sản xuất điện và khách hàng doanh nghiệp, giúp tăng tính khả dụng của năng lượng không carbon trong lưới điện quốc gia. Thỏa thuận dài hạn này là chiến thắng của 3 bên: doanh nghiệp hướng tới đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhà đầu tư có con đường rõ ràng để yên tâm phát triển, và lưới điện được hưởng lợi từ công suất bổ sung mà không cần người tiêu dùng chịu thêm chi phí.

Theo số liệu của S&P GCI, về các thỏa thuận mua bán năng lượng tái tạo, tăng trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu toàn cầu. Những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, có bước tiến đáng kể để mở rộng lựa chọn mua điện cho doanh nghiệp.

Vì lý do trên, ngày càng nhiều tập đoàn đang hợp tác và cam kết liên ngành, như Liên minh năng lượng sạch châu Á đã khuyến nghị các chính quyền khu vực tăng mục tiêu năng lượng không carbon, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng không carbon hơn, tạo ra môi trường chính sách công minh bạch, giúp đầu tư vào năng lượng tái tạo thuận tiện, và bình đẳng cạnh tranh với năng lượng hóa thạch.

Khi Nhật Bản và đối tác khu vực hướng tới tương lai phát triển bền vững, chính sách hỗ trợ - thúc đẩy hợp tác, rõ ràng là điều cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng không carbon. Bằng cách này, Nhật Bản đang trở thành quốc gia đi đầu trong quá trình giảm khí thải CO2 ở châu Á.

Bình luận