Chờ...

Nhật Bản đang tụt lại trong cuộc đua phát triển xe điện như thế nào?

VOH – Nhật Bản từng là quốc gia sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới, hiện vẫn là quê hương của những tập đoàn hàng đầu. Tuy nhiên trong lĩnh vực xe điện, lại đang bị đối thủ bỏ lại. Nguyên nhân vì sao?

Khung cảnh nhà máy Fuji thuộc công ty linh kiện JATCO luôn bình lặng và yên tĩnh. Các thanh tra đánh giá bánh răng và ròng rọc, vốn tạo nên hệ thống truyền động của nhà sản xuất phụ tùng ô tô. Robot đóng dấu các bộ phận và đưa chúng vào dây chuyền. Trong nhiều thập kỷ, JATCO, giống như phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô đáng tự hào ở Nhật, là 1 phần quan trọng giúp tạo ra thành phẩm hoàn chỉnh.

Nhật Bản từng đi đầu trong ngành ô tô thế giới. Hiện nay họ cũng nhiệt tình trong cuộc đua phát triển xe điện (EV). Ông Sato Tomoyoshi, CEO của JATCO nói: “Xe điện đánh dấu 1 bước ngoặt lớn. Công ty chúng tôi, và cả ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản phải chuyển mình mạnh mẽ.”

Nhật Bản đang tụt lại trong lĩnh vực xe điện so với các đối thủ? - Ảnh: Frost&Sullivan
Nhật Bản đang tụt lại trong lĩnh vực xe điện so với các đối thủ? - Ảnh: Frost&Sullivan

Tuy nhiên đến nay, các tập đoàn xe hơi lớn của Nhật đang có xu hướng bị tụt lại. Xe chạy bằng pin và xe hybrid (vừa dùng pin vừa dùng xăng dầu), đang phát triển nhanh chóng, khi chiếm tới 13% tổng số xe bán ra trên toàn cầu năm 2022. Con số chỉ là 2,6% vào năm 2019. Tại thị trường Trung Quốc, tỷ lệ thậm chí là 20%. Tuy nhiên ở Nhật, tỷ lệ chỉ khiêm tốn là 2%.

Hiện nay, những công ty xe điện dẫn đầu thế giới, là Tesla của Mỹ, BYD của Trung Quốc và Volkswagen của Đức.

Thật kỳ lạ, không có tập đoàn nào của Nhật lọt top 20 thế giới về xe điện, mặc dù Nissan với Mitsubishi đã sản xuất xe điện từ rất sớm. Sản phẩm đầu tiên của họ ra đời hơn 1 thập kỷ trước.

Toyota – công ty ô tô lớn nhất thế giới, chỉ bán được 24.000 xe điện trong tổng số 10,5 triệu xe vào năm 2022. Con số quá nhỏ nếu so với 1,3 triệu chiếc của Tesla. Mẫu chạy hoàn toàn bằng điện của Toyota, là chiếc SUV có tên Bz4x, đã phải ngừng bán vào mùa hè năm ngoái, do lỗi phần mềm liên quan đến bánh xe.

Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng này có thể khiến ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản lao dốc. Điều tương tự cũng đang diễn ra với ngành công nghiệp chất bán dẫn và đồ điện tử tiêu dùng. Ban đầu các công ty Nhật thống trị toàn cầu, nhưng sau đó bị đối thủ theo kịp và bỏ lại.

Ngành công nghiệp ô tô chiếm 20% giá trị xuất khẩu, và 8% lao động ở Nhật. Do vậy, nếu không kìm được sự sụt giảm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Nhận thức rõ điều này, các công ty Nhật đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Toyota đã thay giám đốc điều hành. Người chỉ huy mới là ông Sato Koji, đặt mục tiêu thúc đẩy công nghệ điện khí hóa cho EV. Tại cuộc họp báo ngày 7/4, Toyota nói sẽ sớm tung ra 10 mẫu xe điện, với mục tiêu bán 1,5 triệu chiếc vào năm 2026. Ông Sato khẳng định: “Chúng tôi sẽ triển khai triệt để quá trình điện khí hóa – điều công ty có thể thực hiện ngay lập tức.”

Một ông lớn khác là Honda, có kế hoạch ra mắt 30 mẫu xe điện vào năm 2030, đã thành lập một liên doanh sản xuất xe điện với Sony vào năm 2022. Honda đã thông báo về việc tái cấu trúc, nhằm tăng tốc quá trình điện khí hóa.

Nissan thì cho biết, họ sẽ phát hành 19 mẫu xe điện mới vào năm 2030, khẳng định điện khí hóa là cốt lõi trong chiến lược dài hạn.

Theo ông Sato - CEO của JATCO, sự khởi đầu chậm chạp của các công ty Nhật với xe điện, có nguồn gốc từ thành công trước đó. Họ do dự việc nắm bắt 1 xu hướng mới, có thể làm suy yếu những lĩnh vực đang dẫn đầu.

Ông Sato nói tiếp: “Trong ngành, vẫn còn nhiều người gắn bó với xe động cơ đốt trong. Các nhà điều hành lo lắng về tác động của việc chuyển đổi sang xe điện, đối với mạng lưới nhà cung cấp, vì xe điện yêu cầu ít bộ phận và vật dụng hơn. Nhưng theo logic, khi đến thời điểm, chúng ta sẽ thấy dễ dàng chuyển từ xe thường sang xe điện.

Không chỉ xe điện, Nhật Bản cũng bắt đầu phát triển xe hydro từ rất sớm. Đây là công nghệ khác không xả thải khí carbon. Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản và toàn cầu, từng đặt cược vào xe sử dụng nhiên liệu hydro. Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người cầm quyền từ năm 2012 đến 2020, ủng hộ các chính sách để Nhật Bản trở thành “1 xã hội hydro”. Năm 2015, Toyota ra đời chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hydro đầu tiên, có tên Mirai.

Hydro có thể đóng vai trò lớn trong việc giảm khí carbon, nhưng 1 số khó khăn như chạy đường dài, đã cản trở Mirai tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Mặc dù đã xây nhiều cơ sở tiếp nhiên liệu hydro, Mirai mới chỉ được bán khoảng 7.500 chiếc tại quê nhà.

Những năm gần đây, các chính phủ ở Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ, đã trợ cấp mạnh mẽ cho ngành công nghiệp xe điện, như 1 phần trong chính sách giảm biến đổi khí hậu, thì chính phủ Nhật không có sự nhiệt tình như vậy. Chính phủ Nhật đã kêu gọi đến năm 2035, 100% xe bán ra là xe điện, nhưng bao gồm cả xe hybrid. Các khoản trợ cấp cho xe điện cũng ít hơn. Nhiều luật lệ phức tạp đã cản trở xây dựng trạm sạc pin cho xe điện. Hiện nay số lượng trạm sạc pin của Nhật, chỉ bằng 25% của Hàn Quốc – đất nước có diện tích nhỏ hơn rất nhiều.

Ông Tsuhuhara Yoshiro từ tạp chí công nghệ ô tô AutoInsight nói rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật còn hoài nghi về việc, xe điện có phải là cách tốt nhất giảm khí thải carbon hay không?

Ông Gill Pratt, 1 chuyên gia hàng đầu của Toyota gợi ý: “Chúng tôi nghĩ cách giảm khí carbon hiệu quả, là điều chỉnh giải pháp cho từng khu vực trên thế giới. Ví dụ các nước đang phát triển, nơi sử dụng năng lượng tái tạo chậm hơn phương Tây, thì xe hybrid có thể là cách tiết kiệm và thực tế hơn trong thời gian tạm thời.”

Một số ý kiến khác cho rằng, như kinh nghiệm của Toyota với mẫu xe Bz4x, thiết kế xe điện có thể không đơn giản như họ nghĩ. Xe điện thu hút người dùng phải tập trung vào phần mềm, như tiện ích và công nghệ hỗ trợ quá trình lái, trong khi doanh nghiệp Nhật có truyền thống ưu tiên phần cứng. Đó là lý do tại sao năm 2022, phần lớn người tiêu dùng ở Mỹ khi được hỏi, đều chưa ưu tiên mua xe điện của Toyota hay Honda.