Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản, do ngân hàng au Jibun Bank công bố, đạt 49,6 điểm trong tháng 12, cho thấy sự suy giảm đã thu hẹp trong ba tháng qua.
Chỉ số này cao hơn so với 49,5 điểm trong báo cáo sơ bộ và 49,0 điểm vào tháng 11, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50,0, phân cách giữa sự tăng trưởng và suy giảm, trong tháng thứ sáu liên tiếp.
Ông Usamah Bhatti thuộc tổ chức S&P Global Market Intelligence, đơn vị thực hiện khảo sát, cho biết, chỉ số tổng thể đã tiến gần hơn đến mức trung lập nhờ sự giảm nhẹ trong mức sụt giảm của cả sản lượng và đơn hàng mới.
Chỉ số phụ về sản lượng tiếp tục giảm trong tháng 12, đánh dấu tháng suy giảm thứ 4 liên tiếp, nhưng tốc độ suy giảm đã chậm hơn so với tháng trước.
Các nhà sản xuất cho biết, nguyên nhân chính khiến sản lượng giảm là do nhu cầu cho đơn hàng mới vẫn còn yếu.
Số đơn hàng mới trong lĩnh vực sản xuất tại Nhật Bản tiếp tục giảm tháng thứ 19 liên tiếp do nhu cầu yếu ở cả thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu chính.
Một số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, thị trường bán dẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của các đơn hàng mới.
Tuy nhiên, tình hình tuyển dụng lại có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 12, với mức tăng cao nhất kể từ tháng 4.
Các công ty cho biết, họ đang tăng cường tuyển dụng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cũng như chuẩn bị cho nhu cầu trong tương lai.
Giá mua vào tăng mạnh nhất kể từ tháng 8, chủ yếu do chi phí nguyên liệu thô và phí lao động tăng cao. Đồng yên yếu cũng góp phần thúc đẩy lạm phát.
Để bù đắp cho chi phí tăng, các doanh nghiệp đã nâng giá sản phẩm đầu ra với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng qua.
Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh, kỳ vọng vào sự mở rộng nhờ việc ra mắt và sản xuất hàng loạt các sản phẩm mới.