Nhật Bản khuyến khích làm việc 4 ngày/tuần để cải thiện cân bằng công việc và cuộc sống

VOH - Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy một chiến dịch nhằm thay đổi văn hóa làm việc căng thẳng, khuyến khích người lao động giảm số ngày làm việc trong tuần và hạn chế thời gian làm thêm.

Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải cách “phong cách làm việc” tại quốc gia vốn nổi tiếng với cường độ làm việc cao và các trường hợp tử vong do làm việc quá sức.

Khái niệm làm việc bốn ngày/tuần đã được chính phủ Nhật Bản đề cập lần đầu tiên vào năm 2021, khi các nhà lập pháp đồng ý với ý tưởng này. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chỉ 8% doanh nghiệp tại nước này cho phép nhân viên nghỉ ba ngày mỗi tuần, trong khi chỉ có 7% công ty đáp ứng yêu cầu nghỉ một ngày theo quy định của pháp luật.

nhatban 1_voh
Ảnh minh họa: dulichvtv

Chiến dịch "cải cách phong cách làm việc", được biết đến với tên gọi "hatarakikata kaikaku", đặt mục tiêu giảm giờ làm việc và tạo điều kiện cho các thỏa thuận linh hoạt như nghỉ phép hàng năm có lương và giới hạn làm thêm giờ. Trên trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chiến dịch này được mô tả như một nỗ lực nhằm "hiện thực hóa một xã hội nơi người lao động có thể chọn lựa phong cách làm việc phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, đồng thời tạo ra một chu kỳ tăng trưởng và phân phối lành mạnh".

Mặc dù chính phủ đã phát động chiến dịch mạnh mẽ, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều thách thức. Chỉ có ba công ty yêu cầu tư vấn về các quy định liên quan và các khoản trợ cấp hỗ trợ. Một ví dụ điển hình là Panasonic, nơi có 63.000 nhân viên đủ điều kiện làm việc bốn ngày/tuần, nhưng chỉ có 150 người chọn lịch trình này.

Việc chính phủ Nhật Bản ủng hộ mô hình làm việc linh hoạt thể hiện một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận công việc tại quốc gia này. Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với nền văn hóa "nghiện công việc", một phần quan trọng đóng góp vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, áp lực làm việc quá nhiều giờ đã dẫn đến tình trạng "karoshi" - tử vong do làm việc quá sức. Theo một báo cáo gần đây, Nhật Bản ghi nhận ít nhất 54 trường hợp "karoshi" mỗi năm.

Những người ủng hộ việc làm việc bốn ngày/tuần cho rằng mô hình này sẽ giúp duy trì lực lượng lao động trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh. Với tốc độ sinh hiện tại, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 40%, từ 74 triệu người hiện tại xuống còn 45 triệu người vào năm 2065. Điều này một phần là do văn hóa tập trung vào công việc, khiến nhiều người trẻ không muốn lập gia đình và sinh con.

Ngoài ra, mô hình làm việc này còn tạo điều kiện cho những người có con nhỏ, phải chăm sóc người thân lớn tuổi, hoặc những người đã về hưu nhưng muốn tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập. Một ví dụ cụ thể là cô Akiko Yokohama, nhân viên của Spelldata - một công ty công nghệ tại Tokyo. Công ty này cho phép nhân viên làm việc bốn ngày/tuần, với thời gian nghỉ vào thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật. Cô Yokohama sử dụng thời gian nghỉ trong tuần để chăm sóc bản thân và tham gia các hoạt động cá nhân khác.

Trước Nhật Bản, Anh đã thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày vào năm 2022, với kết quả khả quan: 91% trong số 61 công ty tham gia cho biết họ sẽ duy trì lịch trình này. Nhật Bản đang bước những bước đầu tiên trong việc cải cách văn hóa làm việc, hy vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả tương tự.

Bình luận