Đây là kết quả của cuộc điều tra định kỳ hàng năm, được tiến hành trong tháng 10 và tháng 11/2024, nhằm thu thập ý kiến người dân về các vấn đề xã hội, giúp Chính phủ điều chỉnh chính sách phù hợp.
Theo báo cáo, mức độ hài lòng đối với xã hội đã tăng lên 53%, tăng 3% so với lần khảo sát trước. Tuy nhiên, trong khi người dân cảm thấy lạc quan hơn về một số mặt, tỷ lệ không hài lòng về tình hình vật giá và thiên tai lại gia tăng đáng kể. Một trong những mối quan ngại lớn nhất của người dân Nhật Bản hiện nay là tình trạng vật giá tăng cao không thể kiểm soát.
Cụ thể, có tới 71% người tham gia khảo sát tỏ ra lo ngại sâu sắc về vấn đề này, khi mà chính phủ chưa có biện pháp đối phó hiệu quả. Bên cạnh đó, 51% số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế của Nhật Bản đang xấu đi, và 47% bày tỏ lo ngại về tình hình tài chính chung của xã hội.
Một yếu tố đáng chú ý trong cuộc khảo sát là mối lo ngại về thiên tai và khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Số người lo ngại về vấn đề này đã tăng lên 15%, gấp ba lần so với kết quả trước đó. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại khi các thảm họa thiên nhiên, như động đất, lũ lụt và hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối trong tâm lý của người dân.
Tiến sỹ xã hội học Shimomura Taro từ Viện điều tra xã hội học Nhật Bản nhận xét: "Tâm lý lo lắng là đặc trưng của người Nhật, và hiện nay, sự bất an trong xã hội ngày càng tăng lên, nhất là đối với vấn đề vật giá, kinh tế và thiên tai. Những lo ngại này không phải vô cớ, và nếu tình hình không được cải thiện, nó có thể lan rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội."
Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng chỉ ra những yếu tố tác động mạnh mẽ đến tâm lý xã hội, trong đó có việc chậm trễ trong khắc phục hậu quả thảm họa kép động đất và lũ lụt tại bán đảo Noto, cùng với biến đổi khí hậu gây ra mùa hè và mùa đông khắc nghiệt. Những tác động này không chỉ làm gia tăng gánh nặng cho người dân mà còn ảnh hưởng đến mức sống của họ.