Hai ngày đã trôi qua kể từ khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter gây ra thiệt hại lớn về hạ tầng và hỏa hoạn ở thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa trên bờ biển Nhật Bản, nhưng quy mô đầy đủ của thảm họa vẫn chưa được xác định.
Với lượng mưa không liên tục dự kiến kéo dài đến ngày 4/1 tại các khu vực bị thiên tai, trong đó một số ngôi làng vẫn bị cô lập - Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo về khả năng sẽ có xảy ra lở đất.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) dự kiến sử dụng trực thăng để vận chuyển hàng tiếp tế đến các khu vực bị cô lập, trong khi chính quyền các địa phương yêu cầu cử thêm nhân viên SDF hỗ trợ khu vực này.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết trong cuộc họp báo hôm nay rằng, chính phủ đã quyết định tăng số lượng thành viên SDF trong khu vực bị thiên tai từ 1.000 hiện nay lên 2.000.
Chính quyền cho biết, họ đã nhận được thông tin về một số trường hợp người bị chôn sống hoặc bị mắc kẹt dưới những ngôi nhà bị sập ở những khu vực hứng chịu tác động của các trận động đất mạnh.
Theo cơ quan này, trận động đất ngày đầu năm mới có tâm chấn cách Wajima khoảng 30 km về phía đông-đông bắc với độ sâu tạm thời là 16 km và đạt cấp độ cao nhất là 7 trong thang đo cường độ địa chấn của Nhật Bản.
Trận động đất cấp 7 được mô tả là khiến con người không thể đứng vững. Cơ quan thời tiết cho biết trận động đất như vậy được ghi nhận lần cuối vào năm 2018 tại Hokkaido.
Nhật Bản cảnh báo về việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội về trận động đất
Thông tin sai lệch liên quan đến trận động đất mạnh ở miền trung Nhật Bản đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến chính phủ đưa ra lời kêu gọi công chúng thận trọng.
Một số bài đăng cho rằng, nguyên nhân của trận động đất mạnh 7,6 độ richter tấn công Bán đảo Noto và vùng lân cận trên bờ biển Nhật Bản hôm 1/1 là do sử dụng "vũ khí động đất", đồng thời mô tả sự kiện địa chấn là một trận "động đất nhân tạo".
Các bài đăng khác đã chia sẻ các video đã được chỉnh sửa nhằm mô tả sóng thần do trận động đất mới nhất gây ra, trong đó sử dụng cảnh quay về trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3/2011 gây ra cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Thông tin sai lệch trong thảm họa có thể cản trở hoạt động cứu hộ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, việc lan truyền thông tin sai lệch là "không thể chấp nhận được" và Bộ truyền thông kêu gọi người dân "đánh giá cẩn thận" khi xem các bài đăng trực tuyến trước khi chia sẻ chúng.