Nhật Bản trước nguy cơ suy thoái kép khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt lên mức kỷ lục

(VOH) - Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng phạm vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp ra nhiều vùng khác ngoài thủ đô Tokyo, trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng với tốc độ kỷ lục.

Bên cạnh việc lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, nỗi lo về nguy cơ suy thoái kép đối với nền kinh tế đứng thứ ba thế giới cũng ngày càng dâng cao đối với chính phủ và người dân Nhật Bản.

Ngày 8/1, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã thừa nhận rằng các biện pháp phòng chống dịch đang được tiến hành và có hiệu quả ở khu vực thủ đô Tokyo cũng có thể cần được áp dụng ở nhiều vùng khác trong cả nước, đặc biệt khi tình hình lây nhiễm đang có chiều hướng lan rộng khó kiểm soát.

Trước đó, chính phủ của ông Suga từng từ chối lời kêu gọi của các chuyên gia về việc mở rộng phạm vi các biện pháp phòng chống dịch không chỉ áp dụng riêng ở Tokyo. Lý do mà chính phủ Nhật Bản đưa ra là các thiệt hại to lớn về kinh tế sẽ xảy đến nếu tiến hành các biện pháp này.

Theo đó, các nhà phân tích và quan chức cho rằng, các lệnh giới hạn và thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng ở Tokyo và các vùng lân cận có thể dẫn đến sự suy giảm phát triển kinh tế rõ rệt đối với quý I năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso trả lời với báo giới: “Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn chúng (những biện pháp giới hạn-pv) sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.”

Chính quyền Osaka - khu vực đô thị lớn thứ nhì Nhật Bản, đã lên kế hoạch yêu cầu chính phủ áp dụng tình trạng khẩn cấp lên địa phương này. Ngoài ra, Kyoto và Hyogo ở phía tây Nhật Bản cho biết cũng sắp sửa đưa ra yêu cầu tương tự.

Đáp lại những yêu cầu trên, Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiến hành làm việc chặt chẽ với các địa phương và sẽ có phản hồi khi cần thiết."

Nhật Bản trước nguy cơ suy thoái kép khi số ca nhiễm lần đầu tăng vọt lên mức kỷ lục
Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 trong một ngày tăng vọt lên mức kỷ lục 7.000 ca. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nhiều nhà hoạch định chính sách ở Nhật cho rằng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như năm ngoái - khi ngành bán lẻ trên toàn quốc đều bị ảnh hưởng và nhiều nhà máy, phân xưởng phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Mặc dù vậy, nỗi lo sợ về tình trạng khẩn cấp kéo dài và rộng hơn sẽ phủ bóng lên kinh tế cả nước vẫn hiện diện tại Nhật Bản. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái, nước này đã chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục về kinh tế bởi những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Yoshiki Shinke - chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định: “Thậm chí ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ, Nhật Bản cũng cần phải cân bằng giữa việc giải quyết các ca nhiễm mới song song với phục hồi các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế có thể phục hồi khả quan từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, nhưng sẽ với tốc độ vừa phải.” Ông cũng kỳ vọng kinh tế Nhật Bản sẽ đạt được mức tăng trưởng 3,7% trong quý I/2021.

Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ nền kinh tế bằng nguồn dự trữ từ các gói kích thích kinh tế đã được triển khai thời gian qua. Qua đó ông cũng ngầm thông báo có thể sẽ không còn gói ngân sách hỗ trợ nào vào thời gian tới.

Tính đến nay, tuy được xem là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ít nghiêm trọng hơn một số nơi khác trên thế giới, nhưng hiện nay Nhật Bản dường như đang mất kiểm soát trong việc kiềm chế tốc độ lây lan của Sars-CoV-2. Số ca nhiễm mới trong vòng một ngày lần đầu tiên đã vọt lên mức kỷ lục 7.000 ca vào thứ Năm ngày 7/1; nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên 267.000 ca, trong đó có 3.900 trường hợp tử vong.

Bình luận