Dù vậy, ở Tokyo hay nhiều nơi khác ở Nhật Bản, ngày này được tưởng nhớ nhưng không có bất kỳ buổi lễ nào diễn ra do tình hình bùng phát dịch COVID-19.
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất 9 độ richter kèm theo sau đó là sóng thần đã tàn phá một vùng rộng lớn của bờ biển phía bắc Nhật Bản và gây ra một cuộc khủng hoảng tại một nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, làm ô nhiễm nhiều khu vực rộng lớn và làm xáo trộn nhiều khu dân cư.
8 năm sau đó, cư dân và quan chức các khu vực bị ảnh hưởng đã tụ tập tại hội trường thị trấn địa phương để cầu nguyện. Còn tại Tokyo, chính quyền chủ trì một buổi lễ tưởng niệm chính có sự tham dự của thành viên gia đình Hoàng gia, và được truyền hình trực tiếp khắp cả nước. Năm nay, theo yêu cầu của Thủ tướng Shinzo Abe, buổi lễ tưởng niệm bị hủy vì đang trong giai đoạn chống dịch virus corona.
Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu không tổ chức lễ tưởng niệm thảm họa năm 2011 do lo ngại dịch COVID-19. Ảnh: AP
Tại Tokyo, Thủ tướng Abe và các bộ trưởng có mặt tại Văn phòng Thủ tướng và làm lễ mặc niệm, ngay đúng thời điểm 14 giờ 46 phút mà cách đây 9 năm thảm họa xảy ra. Thủ tướng Abe cũng nói lời xin lỗi vì đã hủy buổi lễ mang cấp nhà nước này.
Ông Abe cho biết công việc tái thiết lại các khu vực bị thảm họa tàn phá hiện đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối.
“Tôi muốn nhiều người từ khắp nơi trên thế giới trải nghiệm thực tế tại các khu vực bị thiên tai trên đường hồi phục thông qua Thế vận hội sắp tới, Paralympics và các dịp khác”, ông Abe nói.
Chính phủ Nhật nói thêm lễ tưởng niệm lần thứ 10 vào năm tới sẽ là buổi lễ cuối cùng được tổ chức.
Dù vậy, rất nhiều người dân, đặc biệt tại Fukushima, vẫn còn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Hai thị trấn nơi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn đang bị giới hạn và có điều kiện sống khó khăn, những cư dân các vùng xung quanh đã phải cung cấp đất để xây dựng các cơ sở để trữ chất thải hạt nhân từ thảm họa.
Thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 đã khiến cho hơn 18.000 người chết và phá hủy rất nhiều nhà ở cũng như công ty, xí nghiệp. Vụ sập nhà máy điện hạt nhân Fukushima buộc hơn 160.000 người phải rời khỏi vùng. Đến nay hơn 40.000 vẫn chưa thể quay về nhà do tình trạng ô nhiễm và lo ngại bức xạ.
Tại các thị trấn bị tàn phá là Iwate, Miyagi và Fukushima, có nhiều khu vực đặt những chiếc bàn để cho khách đến thăm ký tên tưởng niệm và đặt hoa. Cư dân đến viếng tại nghĩa trang, công viên và thị trấn đều dừng lại, quỳ gối và cầu nguyện trong im lặng.
Hàng trăm người đã tập trung tại Công viên Hibiya của Tokyo để đánh dấu kỷ niệm bằng các buổi biểu diễn âm nhạc. Tại khu mua sắm sang trọng Ginza của Tokyo, người đi bộ và du khách, nhiều người trong số họ đeo khẩu trang, dừng lại ở ngã tư của một tháp đồng hồ và cúi đầu trong im lặng.