Chờ...

Nhật Bản tuyên án tử hình với hung thủ sát hại 19 người khuyết tật

(VOH) - Satoshi Uematsu - hung thủ ra tay giết hại 19 người khuyết tật ở một trung tâm xã hội tại Nhật Bản vào năm 2016 đã bị kết án tử hình vào hôm nay 16/3.

Vụ án mạng xảy ra tại một trung tâm xã hội chuyên chăm sóc người khuyết tật ở thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản hồi tháng 7/2016 khiến 19 người thiệt mạng được nhận định là một trong những vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản kể từ sau chiến tranh đến nay.

Satoshi Uematsu, 30 tuổi, đã thừa nhận hành vi cố ý đâm chết hoặc làm bị thương các nạn nhân tại trung tâm chăm sóc người khuyết tật trên, cũng là nơi hắn từng làm việc. Vụ tấn công còn khiến 26 người khác bị thương. Nhiều nạn nhân thậm chí bị đâm khi đang ngủ.

Vụ thảm sát đã khởi tạo làn sóng phẫn nộ trên khắp Nhật Bản, nơi tỉ lệ tội phạm bạo lực rất thấp do cơ chế kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt. Sau vụ việc, nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra về việc thay đổi cái nhìn của xã hội về người khuyết tật.

Nhật Bản tuyên án tử hình với hung thủ sát hại 19 người khuyết tật

Hung thủ Satoshi Uematsu khi bị bắt vào năm 2016. Ảnh: AFP

Trong phiên xét xử hồi tháng trước, Uematsu cũng nhiều lần thể hiện quan điểm kỳ thị người khuyết tật khi cho rằng “đây là những người gây ra bất hạnh cho xã hội”. Các công tố viên Nhật Bản đã đề nghị mức án tử hình, trong khi luật sư bào chữa cho rằng kẻ này có tâm thần không ổn định nên không thể chịu trách nhiệm hình sự về hành động của mình.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 16/3, thẩm phán Kiyoshi Aonuma đã tuyên án tử hình đối với Uematsu bằng hình thức treo cổ, đồng thời cho biết: "Tên tội phạm này đã nung nấu ý định trước, có rất nhiều bằng chứng chứng minh ý đồ giết người của hắn".

Trong khi đó, theo Reuters, Uematsu xuất hiện tại phiên toà với thái độ bình tĩnh khi phán quyết được đưa ra. Trước đó, hắn từng cho biết không có ý định kháng cáo. 

Đây là vụ án giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khiến dư luận nước này bàng hoàng. Các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội lo ngại liệu rằng những người khác có thể giữ quan điểm kỳ thị tương tự Uematsu ở Nhật Bản hay không.