Nhật Bản xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin

(VOH) - Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 12/4 đưa tin, một nữ nhân viên làm việc tại một cơ sở y tế ở nước này được chẩn đoán bị nhiễm Covid-19 sau khi đã tiêm 2 liều vắc-xin.

Đây là trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin tại Nhật Bản.

Nữ nhân viên này làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Kanazawa thuộc tỉnh Ishikawa. Cô được ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 dành cho các nhân viên y tế và đã thực hiện hai lần tiêm vào các ngày 13/3 và 3/4.

Nhật Bản xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin
Ảnh minh họa.  

Do có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 nên cô được lấy mẫu để làm xét nghiệm. Ngày 10/4, cô được thông báo mình đã bị nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng.

Giới chức Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết: "Mặc dù nguy cơ nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vắc-xin sẽ giảm nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không bị lây nhiễm. Mong rằng mọi người sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngay cả khi bạn đã được tiêm vắc-xin".

Tháng 2 vừa qua, MHLW đã cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức cùng hợp tác sản xuất.

Theo kế hoạch, 3,7 triệu nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch bắt đầu được tiêm vắc-xin kể từ tháng 3 và khoảng 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên bắt đầu được tiêm kể từ tháng 4.

Theo hãng tin Kyodo, kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho nhóm người cao tuổi tại Nhật Bản bắt đầu được triển khai vào hôm nay 12/4.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tiêm vắc-xin cho những người không phải là nhân viên y tế. Với con số khoảng 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chính phủ Nhật Bản dự kiến từ nay đến trước cuối tháng 6 sẽ cung cấp đủ lượng vắc-xin cần thiết đến các địa phương trên cả nước để phục vụ việc tiêm chủng quy mô lớn cho nhóm đối tượng này.

Hiện đợt bùng phát dịch thứ 4 tại Nhật Bản đang lan rộng với số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng, khiến đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch càng tăng thêm gánh nặng và làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế phụ trách việc tiêm chủng.

Để kế hoạch tiêm chủng diễn ra thuận lợi, cũng cần quan tâm đến công tác phòng ngừa.

Với vắc-xin của Pfizer/BioNTech, về nguyên tắc là tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 tuần.

Bình luận