Những quốc gia Ả Rập đầu tiên chính thức bình thường hóa quan hệ với Israel

(VOH) - Ngày 15/9, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain là những quốc gia Ả Rập đầu tiên chính thức ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Israel.

Đây là sự kiện mang tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên các quốc gia Ả Rập chính thức ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Israel sau nhiều thập kỷ, ngay cả khi bất đồng giữa Israel và một nước Ả Rập khác là Palestine cho đến nay vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.  

Buổi lễ ký kết lịch sử này sẽ diễn ra tại Nhà Trắng vào khoảng 16 giờ ngày 15/9 (giờ GMT) và do đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ ký vào thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với đại diện UAE là Ngoại trưởng Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan và đại diện Bahrain là Ngoại trưởng Abdullatif Al Zayani.

Với thỏa thuận này, UAE và Bahrain là quốc gia Ả Rập thứ ba và thứ tư trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel do Mỹ làm trung gian. Trước đó, đã có hai nước ký hiệp định hòa bình với Israel là Ai Cập (năm 1979) và Jordan (năm 1994).

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng sau khi công bố Bahrain đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel ngày 11/9/2020. Ảnh: Reuters

Các thỏa thuận giữa các nước Ả Rập ký với Israel - do Mỹ hậu thuẫn - được xem là kế hoạch mang tính chiến lược của Mỹ trong tiến trình tập hợp, tái tổ chức các quốc gia Trung Đông thành đối trọng với Iran trong khu vực.

Đây cũng được xem là một thành tựu ngoại giao mà Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đạt được, bên cạnh các mục tiêu khó khăn hơn trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình như thỏa thuận về các chương trình phát triển hạt nhân ở Triều Tiên.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ khẳng định sự kiện này là cột mốc lịch sử đối với việc đẩy mạnh tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Cố vấn quốc vương Bahrain, ông Khalid al-Khalifa gọi diễn biến này đóng góp cho an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Ông Khalid cũng cho rằng việc bình thường hóa quan hệ gửi thông điệp tích cực đến người dân Israel rằng thiết lập nền hòa bình toàn diện với người dân Palestine là con đường tốt nhất.

Ông Trump hiện đang chuẩn bị cho lần tái ứng cử vị trí Tổng thống tại cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới và sự kiện này cũng sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri Công giáo ủng hộ Israel - đối tượng quan trọng trong chiến lược bầu cử của ông.

Bên cạnh đó, việc kéo gần khoảng cách giữa Israel, UAE và Bahrain, đặc biệt khi những quốc gia này có cùng mối lo ngại về việc Iran tập trung phát triển vũ khí tên lửa đạn đạo và về mức độ gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực, có thể được xem như một mũi tên trúng nhiều đích của Washington.  

Sau thỏa thuận lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain, giới chức chính quyền Mỹ bày tỏ hy vọng các nước Ả Rập khác, vốn nhiều xung đột với Israel lâu nay, cũng sẽ có những bước đi tương tự.

Những quốc gia Ả Rập đầu tiên chính thức bình thường hóa quan hệ với Israel
Sau thỏa thuận lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain, giới chức chính quyền Mỹ bày tỏ hy vọng các nước Ả Rập khác, vốn nhiều xung đột với Israel lâu nay, cũng sẽ có những bước đi tương tự. Ảnh: Reuters

Quốc gia Ả Rập tiếp theo mà Mỹ đang làm trung gian trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel là Oman. Được biết, lãnh đạo nước này đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào tuần trước. Trong khi đó, Ả Rập Saudi - quốc gia lớn nhất, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nắm nhiều quyền hành nhất trong Thế giới Ả Rập - lại cho biết hiện vẫn chưa sẵn sàng cho thỏa thuận nêu trên với Israel.

Trong khi đó, ở phía bên kia chiến tuyến, Palestine đã bày tỏ sự thất vọng, lo ngại động thái của Bahrain và UAE sẽ làm suy yếu vị thế của các nước Ả Rập trong việc kêu gọi Israel rút khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, tiến tới xây dựng một nhà nước độc lập của người Palestine.

Thậm chí, Palestine còn coi đây là một “nhát dao sau lưng”, là hành động “phản bội” của các quốc gia trong khu vực nhằm “phục vụ cho việc chiếm đóng của Israel”, người phát ngôn của nhóm vũ trang Hamas Fawzi Barhoum nói. 

Một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ thì cho rằng, quyết định của Bahrain là “một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực bảo vệ chính nghĩa của người Palestine”. Nó “sẽ cổ súy Israel tiếp tục thực hiện các hành vi bất hợp pháp đối với Palestine cũng như thúc đẩy nước này chiếm đóng vĩnh viễn các vùng đất của người Palestine”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Iran còn lên tiếng chỉ trích động thái của Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel là hành động “đáng xấu hổ”.

Bình luận