Nigeria bắt giữ nhiều người thợ may may cờ Nga để biểu tình chống chính phủ

NIGERIA - Nigeria đã bắt giữ nhiều thợ may vì may cờ Nga để vẫy trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở các bang phía bắc - một động thái làm nổi bật mối lo ngại về hoạt động gia tăng của Nga ở Tây Phi.

Bộ Dịch vụ Nhà nước (DSS) cho biết trong một bài đăng trên X rằng, họ đã bắt giữ một số "người bảo trợ" cho những người thợ may và một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Cơ quan này không nói có bao nhiêu thợ may hoặc "người bảo trợ" đã bị bắt giữ.

co-nga-070824
Một người đàn ông cầm cờ Nga trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, phản đối tình trạng quản lý yếu kém và khó khăn kinh tế, tại tiểu bang Kaduna, Nigeria - Ảnh: Reuters

Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Nigeria, Tướng Christopher Musa mô tả hành động phất cờ nước ngoài trong các cuộc biểu tình chống chính phủ là "tội phản quốc" sau khi ông hội đàm an ninh với Tổng thống Bola Tinubu vào ngày 5/8.

"Chúng tôi đã xác định được những người (tài trợ cho họ) và chúng tôi sẽ có hành động nghiêm khắc đối với hành vi đó", ông Musa nói với các phóng viên nhưng không nêu rõ chi tiết.

Hàng trăm nghìn người Nigeria đã biểu tình kể từ ngày 1/8 để phản đối các cải cách kinh tế của ông Tinubu, trong đó có việc chấm dứt một phần trợ cấp xăng dầu và điện, phá giá tiền tệ và lạm phát đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ.

Các cuộc biểu tình hiện đã lắng xuống sau cuộc đàn áp của cảnh sát.

Tại các tiểu bang phía bắc Borno, Kaduna, Kano và Katsina, người biểu tình vẫy hàng trăm lá cờ Nga và một số người kêu gọi quân đội tiếp quản chính quyền.

"Chúng tôi vẫy cờ Nga vì chính quyền ông Tinubu không lắng nghe chúng tôi. Các tổng thống Nga luôn ủng hộ sự phát triển của các quốc gia châu Phi, không giống như các quốc gia khác", Lawal Kodo, một người biểu tình 28 tuổi ở Kano, nói với Reuters.

Đại sứ quán Nga tại Nigeria cho biết trong một tuyên bố rằng: "Chính phủ Liên bang Nga cũng như bất kỳ quan chức Nga nào không tham gia vào các hoạt động này và không phối hợp thực hiện theo bất kỳ cách nào".

Các cuộc biểu tình ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, diễn ra trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại về mối quan hệ an ninh giữa Nga với khu vực này, bao gồm các quốc gia như Mali, Burkina Faso và Niger, nơi các nhà lãnh đạo quân sự đã lên nắm quyền thông qua các cuộc đảo chính.

Các chuyên gia an ninh cho biết, nhiều người biểu tình Nigeria tin rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là kết quả của các cải cách mà các tổ chức phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới áp đặt lên Tổng thống Tinubu.

Bình luận