Chờ...

Nigeria: Hơn 50 người thiệt mạng trong loạt vụ tấn công ở miền Trung

VOH - Số người thiệt mạng trong loạt vụ tấn công vào các ngôi làng ở bang Plateau, miền Trung Nigeria trong hai ngày 22 và 23/1 đã lên hơn 50 người.

Ngày 25/1, Hội Chữ thập Đỏ Nigeria cho biết ít nhất 55 người thiệt mạng trong hai vụ tấn công mới vào ngày 22 và 23/1 tại bang Plateau, phía Bắc miền Trung Nigeria, nơi bạo lực liên cộng đồng gây chết người liên tục diễn ra kể từ lễ Giáng sinh.

Theo lãnh đạo cộng đồng, bất chấp lệnh giới nghiêm được áp đặt ngày 22/1 tại quận Mangu, các trường học, nơi thờ cúng và nhà cửa vẫn bị đốt cháy và lục soát trong cả hai vụ tấn công.

Hiệp hội Phát triển Mwaghavul, một tổ chức quy tụ các thành viên của nhóm dân tộc Mwaghavul, chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa, cáo buộc những người chăn nuôi Hồi giáo Fulani đã tấn công làng Kwahaslalek và giết chết "khoảng 30 người."

Báo cáo này được một quan chức cứu trợ địa phương và một nguồn nhân đạo tại chỗ xác nhận.

Nigeria: Hơn 50 người thiệt mạng trong loạt vụ tấn công ở miền Trung
Người dân di tản sau cuộc tấn công bạo lực tại Plateau hồi tháng 5 - Ảnh: AFP

Thống đốc bang Plateau đã công bố lệnh giới nghiêm ngày 22/1 sau khi một cuộc đụng độ mới nổ ra, do tranh chấp giữa một người chăn nuôi di chuyển gia súc của mình và những cư dân khác sử dụng đường bộ. Vụ tấn công thứ hai diễn ra tại thị trấn Mangu, cũng trong khoảng thời gian nói trên.

Cảnh sát Nigeria xác nhận 17 người bị bắt. Đây là những người bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc tấn công trong dịp Giáng sinh và các vụ bạo lực gần đây khác trong khu vực.

Plateau là khu vực nằm trên ranh giới phân chia giữa miền Bắc (chủ yếu là người Hồi giáo mưu sinh bằng nghề chăn nuôi du mục) và miền Nam (nơi có lượng người theo đạo Thiên chúa là nông dân chiếm đa số). Căng thẳng sắc tộc và tôn giáo đã diễn ra trong nhiều năm ở khu vực này.

Cuộc cạnh tranh giành tài nguyên thiên nhiên giữa những người chăn nuôi du mục và nông dân ngày càng gia tăng do tăng trưởng dân số nhanh chóng và biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và gây ra bạo lực.