Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 mất kiểm soát tại 6 nước châu Á

(VOH) - Trong lúc bệnh Covid-19 ở Ấn Độ tiếp tục diễn biến xấu, một làn sóng nhiễm Covid-19 mới đang "nhấn chìm" ngày càng nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á khiến hệ thống y tế rở nên quá tải.

Những quốc gia này đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay. Các tổ chức quốc tế kêu gọi cần có thêm các biện pháp để ngăn chặn "thảm họa này".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ chiếm gần một nửa trong tổng số ca nhiễm trên thế giới và số ca tử vong chiếm một phần tư tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Trong khi đó, tại các nước láng giềng của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka và Maldives, thậm chí tại các nước xa hơn ở Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia và Indonesia, tỷ lệ nhiễm Covid-19 đều tăng mạnh.

Nepal

Trước đó có thông tin nói rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Nepal ngày càng giống như Ấn Độ. Tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đã tăng mạnh, các bệnh viện đều quá tải và họ đang kêu gọi sự giúp đỡ của các nước.

Theo báo cáo của nhà chức trách Nepal, mỗi ngày nước này có khoảng 20 ca nhiễm Covid-19 trên mỗi 100.000 dân, tương đương với tỷ lệ lây nhiễm tại Ấn Độ hai tuần trước đó.

Một số người đổ lỗi cho Ấn Độ là nguyên nhân khiến các ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại Nepal. Tiến sĩ Samir Adhikari, người phát ngôn Bộ Y tế và Dân số Nepal, cho biết trong những tuần gần đây, một số người Ấn Độ đã trốn sang Nepal với hy vọng được tiếp cận các dịch vụ y tế tại đây hoặc chạy sang nước thứ ba để trốn dịch.

Binh sĩ Nepal, covid-19
Binh sĩ Nepal trong bộ đồ bảo hộ cá nhân (PPE) đang đưa thi thể một bệnh nhân Covid-19 đến lò thiêu ở thủ đô Kathmandu vào ngày 5/5/2021. (Ảnh: AFP via Getty Images)

Tiến sĩ Adhikari nói rằng tình hình mỗi ngày càng trở nên tồi tệ hơn và có thể mất kiểm soát trong những ngày tới.

Trước tình hình đó, Nepal đã thắt chặt biên giới và thực hiện lệnh phong tỏa tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm cả thủ đô Kathmandu.

Sri Lanka

Từ giữa tháng 4 đến nay, các ca nhiễm Covid-19 ở Sri Lanka đã tăng vọt và tỷ lệ lây nhiễm nhanh đã chóng vượt qua cả giai đoạn cao điểm của đợt dịch trước đó vào tháng 2.

Chỉ riêng vào ngày 7/5 vừa qua, đảo quốc ở Nam Á này đã ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới, gần gấp 5 lần so với con số được báo cáo vào đầu tháng 4.

Ngày 27/4, Sri Lanka lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới kể từ đầu mùa dịch. Ngay sau đó, nhà chức trách nước này tuyên bố đóng cửa các trường học và phong tỏa nhiều khu vực trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tiến sĩ Chandima Jeewandara tại Đại học Sri Lanka cho biết, mặc dù Sri Lanka rất gần với Ấn Độ, nhưng tính đến tuần trước, không có chủng vi rút biến thể Ấn Độ nào được phát hiện tại nước này. Ngược lại, số ca nhiễm tăng mạnh tại nước này được cho là do biến thể B.1.1.7 từ Anh.

Ngày 6/5, Sri Lanka trở thành quốc gia mới nhất tuyên bố đóng cửa biên giới với nước láng giềng Ấn Độ, tiếp theo sau Bangladesh và Nepal.

Maldives

Một nước láng giềng khác của Ấn Độ là Maldives mới đây cho biết có hơn 600 ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này.

Hiện Maldives đang tập trung vào việc kiểm soát dịch, đặc biệt là ở vùng thủ đô Malé đông dân cư. Trong những ngày qua, số người nhập viện vì Covid-19 tại vùng này đã tăng gấp hai lần.

Giới chức Maldives cảnh báo rằng một biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện tại nước này.

Từ ngày 6/5, vùng thủ đô Malé bắt đầu thực thi lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian này, người dân chỉ được phép ra ngoài trong những trường hợp cần thiết khi được sự cho phép của cảnh sát.

Thái Lan

Sau khi ngăn chặn được đợt lây nhiễm thứ hai bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái, hiện Thái Lan đang nỗ lực để ngăn chặn đợt lây nhiễm thứ ba. Đợt lây nhiễm mới này đã khiến số ca nhiễm và số ca tử mỗi ngày đạt mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch.

Vào trước khi đợt lây nhiễm mới bắt đầu, tính đến ngày 31/3, Thái Lan ghi nhận 28.863 ca nhiễm. Trong vòng 5 tuần, con số này đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 76.000 ca. Chỉ riêng ngày 7/5, cả nước đã ghi nhận 1.911 ca nhiễm.

Đợt lây nhiễm mới được cho là bắt nguồn từ một số tụ điểm vui chơi giải trí về đêm ở thủ đô Bangkok. Vào ngày 5/4, chính quyền Bangkok tuyên bố đóng cửa 196 địa điểm vui chơi giải trí trong thời gian hai tuần, nhưng tình trạng lây lan vẫn tiếp diễn.

Trong dịp Tết Songkran của người dân Thái Lan vào giữa tháng 4 vừa qua, tình trạng lây nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng trăm ngàn người Thái đoàn tụ với gia đình và đi du lịch biển.

Nhà chức trách Thái lan đã lập các bệnh viện dã chiến và trưng dụng các trung tâm thể thao, hội trường và khách sạn để tiếp nhận những người nhiễm bệnh, kể cả những trường hợp không có triệu chứng, nhằm hạn chế sự lây lan của trong cộng đồng.

Ngày 4/5 vừa qua, hơn 300 cư dân tại một khu vực đông dân cư ở Bangkok được ghi nhận đã bị nhiễm Covid-19. Do đó, nhà chức trách đã phát động chiến dịch tiêm phòng cho 50.000 người dân sinh sống tại khu vực này.

Campuchia

Hiện số ca nhiễm tại Campuchia cũng đang tăng mạnh. Vào thời điểm trước tháng 2, Campuchia là một trong những quốc gia có số ca nhiễm ít nhất thế giới và không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bắt đầu vào hạ tuần tháng 2 đã số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tăng vọt từ con số 0 lên đến con số vài trăm ca mỗi ngày.

Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm tại nước này đã tăng vọt từ khoảng 500 ca vào cuối tháng 2 lên 17.621 ca vào thời điểm hiện nay, trong đó có 114 ca tử vong.

Vào ngày 6/5 vừa qua, Campuchia ghi nhận 650 ca nhiễm mới với 4 ca tử vong. Sự tăng vọt các ca nhiễm mới đã tạo nhiều áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh tại nước này.

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh yêu cầu những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà vì bệnh viện đã gần như quá tải. WHO đã cảnh báo rằng Campuchia đang "bên bờ vực của một thảm họa quốc gia".

Bà Li Ailan, đại diện của WHO tại Campuchia nói rằng: "Hệ thống y tế của Campuchia có thể sẽ suy sụp, dẫn đến hậu quả thảm khốc, trừ khi chúng ta có thể ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh".

Indonesia

Bộ Y tế Indonesia mới đây xác nhận hai trường hợp tại nước này đã nhiễm chủng biến thể vi rút corona từ Ấn Độ - B.1.617.

Trong tuần qua, đất nước 270 triệu dân này đã ghi nhận trung bình khoảng 5.000 ca nhiễm mỗi ngày trong tuần qua.

Các nhà chức trách đang lo ngại về kỳ nghỉ lễ Mudik - kỳ nghỉ mừng lễ Eid al-Fitr, ngày kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo. Dịp này, dự kiến có hàng chục triệu người đi du lịch hoặc về quê để đoàn tụ với gia đình.

Để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong dịp lễ này, chính phủ Indonesia đã cấm tất cả chuyến du lịch trong nước từ ngày 6/5 - 17/5.

Theo hãng thông tấn Antara đưa tin, bất chấp lệnh cấm, 18 triệu người - chiếm 7% dân số Indonesia - vẫn lên kế hoạch đi du lịch trong dịp lễ Eid al-Fitr.