Điều này gây trở ngại đến nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cộng đồng quốc tế.
Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 3 tỉ người trên thế giới không có nước sinh hoạt và xà phòng để sử dụng. Hơn nữa, vẫn còn 4 tỉ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng ít nhất một tháng mỗi năm.
Ông Gilbert F. Houngbo, Chủ tịch UN-Water cho rằng đây là một thảm họa đối với những người không được tiếp cận với nguồn nước sạch, vệ sinh và an toàn.
Ông Houngbo cho biết, do thiếu kinh phí liên tục nên kế hoạch đầu tư nguồn nước sạch an toàn cho hàng tỉ người đã bị trì hoãn trong nhiều năm, dẫn đến sự lây lan dịch bệnh Covid-19 diễn ra liên tục tại các nước phát triển và các nước đang phát triển như hiện nay.
Theo thống kê của LHQ, thế giới cần khoản chi phí 6.700 tỉ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nước vào trước năm 2030, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu y tế khẩn cấp mà còn để giải quyết những vấn đề dài hạn do Covid-19 gây ra, chẳng hạn như hệ thống tưới tiêu tốt hơn nhằm tránh xảy ra khủng hoảng lương thực.
Theo LHQ, được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh là quyền của con người và là một trong những mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong 15 năm qua, song mục tiêu này vẫn nằm ngoài tầm với của phần lớn dân số thế giới.
Trên phạm vi toàn cầu, một nửa số người uống nước từ các nguồn không được bảo vệ là người dân ở châu Phi. Ở khu vực châu Phi cận Sahara, chỉ có 24% dân số được sử dụng nguồn nước uống an toàn và 28% dân số sử dụng các cơ sở vệ sinh cơ bản, không chia sẻ với các hộ gia đình khác.
Nếu tình trạng suy thoái của môi trường tự nhiên và áp lực không bền vững đối với tài nguyên nước của thế giới vẫn tiếp diễn thì 45% GDP toàn cầu và 40% sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ gặp nguy hiểm vào năm 2050.
An Nhiên (Theo Jiemian)