ICRC cho biết, quốc gia nghèo khó này rơi vào xung đột khi phiến quân Huthi do Iran hậu thuẫn chiếm thủ đô vào tháng 9/2014.
Các chuyên gia ước tính, ít nhất một triệu quả mìn đã được gài trong thời kỳ hỗn loạn ở Yemen. Cùng với đạn pháo chưa nổ và các mảnh vụn vũ khí khác, bom mìn nói chung đang gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng cho người dân.
Fabrizio Carboni, Giám đốc khu vực Trung Đông và Cận Đông của ICRC, nói với AFP: “Khi nói đến ô nhiễm vũ khí, cùng với Afghanistan và Iraq, Yemen nằm trong số ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi điều này”.
"Nó thực sự tàn khốc và có tác động rất lớn đến con người, sự an toàn cũng như sinh kế của họ" – ICRC cho biết.
Theo Dự án Giám sát Tác động Dân sự liên kết với Liên Hợp Quốc, bom mìn, đạn pháo chưa nổ và những thứ còn sót lại từ giao tranh đã gây ra 1.469 thương vong cho dân thường trong 5 năm qua.
Carboni cho biết: “Sự hiện diện của vật liệu chưa nổ là rất lớn”. Sau khi thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, ICRC nhận thấy, 20% chủ vật nuôi sống ở hai khu vực gần tiền tuyến cho biết, đất của họ bị ô nhiễm chất nổ.
Một cuộc khảo sát khác của ICRC đối với những người chăn cừu cho thấy, 70% số gia súc bị chết do bom mìn và các chất nổ khác.
Carboni nói: "Sự ô nhiễm nghiêm trọng và lan rộng đến mức sẽ không thể khử nhiễm mọi thứ” ngay cả khi cuộc xung đột kết thúc ngày hôm nay. Việc giải phóng bom mìn có thể mất hàng 'thập kỷ'".
Giao tranh ở Yemen đã dịu đi rõ rệt sau lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian có hiệu lực vào tháng 4/2022 và phần lớn vẫn được duy trì ngay cả sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào tháng 10/2022.
Sự nối lại quan hệ hữu nghị do Trung Quốc làm trung gian giữa các cường quốc khu vực Iran và Ả Rập Saudi, 8 năm sau khi họ cắt đứt quan hệ, cũng đã làm dấy lên hy vọng cho Yemen.
Nhưng ngay cả khi hòa bình trong khu vực đang chiếm ưu thế, việc dọn sạch vùng đất chứa chất nổ sẽ mất nhiều năm, đòi hỏi nguồn lực, chuyên môn và máy móc lớn.