Trong khi nhiều người Israel ăn mừng sự ra đi của ông Haniyeh, không ít người cũng lo ngại thỏa thuận trao đổi con tin đang ngày càng xa vời sau vụ ám sát tại Tehran.
Số phận các con tin hiện đang tạo ra rạn nứt trong xã hội Israel. Một số tờ báo Israel đã chỉ trích Thủ tướng Netanyahu, vì tạo ra rào cản cho thỏa thuận. Biểu tình lớn do người thân các con tin tổ chức, đã liên tục diễn ra để thúc giục chính phủ ưu tiên sinh mạng con tin, ước tính hiện khoảng 115 người đang bị giam tại Gaza.
Khi ông Netanyahu thăm Washington và phát biểu trước Quốc hội, một cựu con tin và một số thành viên gia đình các con tin đang bị giam đã đi cùng, nhưng nhiều thành viên gia đình con tin khác lại đi riêng, để công khai yêu cầu ông nỗ lực hơn nữa nhằm đạt được thỏa thuận trả người.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, khoảng 54% người dân Israel tin rằng, cuộc chiến Gaza chưa kết thúc vì tính toán chính trị riêng của ông Netanyahu.
Theo bà Kerry Boyd Anderson, cựu phó giám đốc trung tâm tư vấn Oxford Analytica viết trên tờ Arab News, có nhiều nghi ngờ về cam kết giải cứu con tin của ông Netanyahu qua đường ngoại giao. Ông muốn tiếp tục nắm quyền. Nếu đạt thỏa thuận với Hamas, liên minh cánh hữu của ông có thể sụp đổ.
Ông Netanyahu hiện cũng đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng tại tòa án, có khả năng ngồi tù. Giữ chức Thủ tướng càng lâu, càng làm cho quá trình truy tố này suy yếu. Ngoài ra, ông cũng đối mặt với cáo buộc lơ là nhiệm vụ, dẫn tới vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas.
Vụ ám sát ông Haniyeh được cho cũng nằm trong bối cảnh tương tự, nhưng rộng lớn hơn. Động thái trên phần nào giúp lấy lại hình ảnh của ông Netanyahu nhưng chỉ là tạm thời, bất chấp nó sẽ làm suy yếu thỏa thuận con tin, và đẩy nhà nước Do Thái vào cuộc chiến tiềm năng với Iran.
Bà Anderson tin rằng, ám sát nhà đàm phán hàng đầu của Hamas, cho thấy có thể chính phủ Israel không mặn mà với thỏa thuận trao đổi con tin. Tổng thống Mỹ Biden cũng nói, vụ ám sát không giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Một điều cần lưu ý, mặc dù nhiều người cảm thấy tức giận với chính phủ Israel về cách giải cứu con tin, nhưng họ cũng không phản đối cuộc chiến.
Bất chấp các tình tiết trên, khi nhiều người Israel, Palestine, Ả Rập và cộng đồng quốc tế muốn có thòa thuận trao trả con tin hơn bao giờ hết, có vẻ Thủ tướng Netanyahu vẫn kiên định lập trường. Cuộc chiến chừng nào còn tiếp tục, kể cả nổ ra với Iran, ông vẫn có cơ hội duy trì quyền lực, và hy vọng sự ủng hộ từ dân chúng sẽ phục hồi.
Bà Anderson kết luận, đây là chiến thuật đã cũ, nhưng trong quá khứ từng rất hiệu quả với vị Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Israel.