Ông Trump đặt thời hạn cho ông Putin về Ukraine: Có đủ đòn bẩy để ép?

VOH - Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đặt hạn chót 2 tuần để Tổng thống Nga Vladimir Putin có tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine.

Tuyên bố kèm theo ẩn ý trừng phạt, đánh dấu bước ngoặt mới trong cách tiếp cận của ông Trump với Điện Kremlin – một mối quan hệ từng được xem là “thân thiện”.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ sớm biết liệu ông Putin có đang lợi dụng chúng tôi hay không... Tôi sẽ cho các bạn câu trả lời trong vòng 2 tuần tới.”

Theo các quan chức Nhà Trắng, ông Trump không hài lòng với thái độ trì hoãn của Nga và đang nghiêm túc xem xét các biện pháp cứng rắn hơn. Tuy nhiên, ông vẫn muốn duy trì một kênh đối thoại với Putin, nhấn mạnh rằng việc trừng phạt “có thể làm hỏng mọi chuyện”.

My - Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Một số cố vấn cho rằng, ông Trump có thể sử dụng dự luật trừng phạt mới đang được thúc đẩy tại Thượng viện như một công cụ chiến lược. Dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal bảo trợ, đề xuất mức thuế lên đến 500% đối với các bên mua hàng xuất khẩu của Nga – bao gồm dầu mỏ. Điều này có thể cho phép ông Trump tuyên bố rằng quyết định trừng phạt không nằm trong tay ông, mà là hệ quả từ Quốc hội.

Đồng thời, Điện Kremlin vẫn chưa gửi bản ghi nhớ hòa bình như đã hứa sau cuộc điện đàm với ông Trump cách đây hơn một tuần. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đề xuất tổ chức vòng đàm phán với Ukraine vào ngày 2/6, trong khi phía Kiev cáo buộc Moscow cố ý trì hoãn.

Các chuyên gia cho rằng thời hạn 2 tuần là quá ngắn để đạt được thỏa thuận ngừng bắn thực chất. Ông Samuel Charap, chuyên gia chính sách Nga tại RAND Corporation, nhận định: “Một lệnh ngừng bắn đáng tin cậy thường mất hàng tháng để đàm phán, nếu không có khuôn khổ rõ ràng thì hạn chót chỉ mang tính biểu tượng.”

Trong khi đó, một hướng gây áp lực khác là tấn công vào “đội tàu bóng tối” của Nga – khoảng 500 tàu dùng để lách trừng phạt xuất khẩu dầu. EU và Anh đã bắt đầu hành động, còn Mỹ hiện vẫn thận trọng vì lo ngại tác động đến giá năng lượng.

Các biện pháp khác có thể được Mỹ cân nhắc gồm: đưa toàn bộ đội tàu bóng tối vào danh sách trừng phạt, áp đặt trừng phạt thứ cấp với các bên mua dầu khí Nga, thậm chí cấm vận tài chính toàn diện.

Mặc dù các lệnh trừng phạt hiện tại đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, nhưng theo các nhà phân tích, hiệu quả vẫn chưa đạt mức tối đa. Ông Daniel Fried, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá: “Nga có thể gặp khó khăn trong việc duy trì chiến dịch quân sự nếu dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Nhưng Mỹ cần quyết đoán hơn để tận dụng thời cơ.”

Hạn chót 2 tuần của ông Trump đang tạo ra áp lực chính trị lên cả Nga lẫn nội bộ Mỹ. Tuy nhiên, liệu Tổng thống Mỹ có thực sự kích hoạt các “đòn bẩy” trong tay hay không – vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Bình luận