Theo Hãng tin Reuters, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cần xem xét lại chính sách sản lượng của họ.
Ông Fatih Birol cho biết việc áp giá trần đối với dầu của Nga có thể khiến doanh thu từ xuất khẩu của Matxcơva giảm gần 30% trong tháng 1/2023.
Thiệt hại về doanh số xuất khẩu do mức giá trần gây ra cho Nga có thể vào khoảng 8 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, ngày 4/2, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cảnh báo các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây áp đặt với Nga có thể gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia vừa đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2.
Các bên nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Đây cũng là các mức giá đã được Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.
Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Vào tháng 1/2022, tổng sản lượng dầu của Nga là 11,3 triệu thùng/ngày