OPEC cắt giảm sản lượng dầu, gáo nước lạnh dội vào Mỹ

(VOH) - Hội nghị Bộ trưởng các nước OPEC+ tại Vienna, Áo đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 11 tới.

Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Quyết định của OPEC+ đã vấp phải sự phản đối mạnh từ Mỹ, với tuyên bố sẽ “xem xét các lựa chọn đáp trả” khác nhau. Vì sao Mỹ lại có phản ứng này?

Lý giải về quyết định vừa nêu, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais khẳng định, quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu sẽ giúp OPEC+ đảm bảo nguồn cung để đối phó với tất cả các cuộc khủng hoảng.Cẩn trọng hơn, người đứng đầu OPEC “nói rõ rằng” đây là một quyết định “vì cái chung” chứ không phải “nhằm vào bất kỳ ai” (ám chỉ Mỹ).

Tại sao người đứng đầu OPEC lại cần phải đưa ra một sự giải thích “cặn kẽ” như vậy? 

Trước hết, quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu được cho là một sự đảo ngược hoàn toàn về chính sách của OPEC. Lần gần đây nhất OPEC+ thắt chặt nguồn cung là vào tháng 5/2020 khi nhu cầu giảm mạnh trong thời gian đầu bùng phát đại dịch COVID-19. Các quyết định giảm sản lượng được xem là một nỗ lực của Ả-rập Xê-út - nước dẫn đầu OPEC, nhằm kéo giá dầu tăng trở lại. Bởi sau khi tăng lên 120 đô la Mỹ/thùng vào mùa Xuân năm nay, giá dầu thế giới bắt đầu lao dốc và đã giảm mạnh xuống dưới 90 đô la Mỹ /thùng vào tháng 9 vừa qua do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột Nga-Ukraine.

OPEC cắt giảm sản lượng dầu có thể khiến lạm phát tại Mỹ tăng cao.
OPEC cắt giảm sản lượng dầu có thể khiến lạm phát tại Mỹ tăng cao.

Việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng dầu được cho là một quyết định có lợi cho Nga, đối tác của OPEC nhưng lại đi ngược lại các lợi ích của Mỹ. Nga sẽ được hưởng lợi vì giá dầu tăng cao sau quyết định này, các công ty dầu mỏ Nga có thể thu về nguồn lợi lớn hơn nhờ giá dầu tăng, trong khi vẫn xuất khẩu khối lượng như hiện nay.

Về phần mình, Mỹ mong muốn nâng sản lượng nhằm kiềm chế giá dầu - nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong 40 năm qua và đe dọa ảnh hưởng đến triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 sắp tới. Xin nhắc lại trong chuyến thăm A-rập Xê-út hồi tháng 7, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo A-rập Xê-út tăng sản lượng dầu, nhưng rốt cuộc lại bị đồng minh thân cận này “phớt lờ”.

Trước thềm cuộc họp của OPEC+, Mỹ được cho đã tìm cách gây áp lực nhằm ngăn OPEC+ thông qua quyết định cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, các nước đồng minh Trung Đông của Mỹ như Kuwait, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã từ chối. Đây cũng là lý do khiến Mỹ “bực mình”, gọi đây là một quyết định “thiển cận” và tuyên bố sẽ xuất thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho dữ trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ để cân bằng thị trường toàn cầu ngay trong tháng này.

Rõ ràng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC đã và đang khiến Mỹ “không vui” bởi nó đe dọa vị thế nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới của Mỹ và các tham vọng của Washington nhằm hạ nhiệt giá dầu.

Dưới góc độ chính trị, thái độ của A-rập Xê-út và các đồng minh khác được cho là đang “chống lại” lập trường của Mỹ, thách thức vị thế của Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu- một điều mà từ trước đến nay hiếm khi xảy ra. Mỹ không chấp nhận điều đó. Dễ hiểu vì sao Mỹ lại lớn tiếng chỉ trích và đe dọa A-rập Xê-út như vậy. Thậm chí Mỹ còn đe dọa khởi kiện OPEC hoặc các quốc gia thành viên của tổ chức này ra tòa án liên bang nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để “thổi”giá dầu.

Hiện chưa rõ quyết định giảm sản lượng tác động thế nào đến giá dầu vì thực tế các nhà sản xuất của OPEC+ đến nay vẫn chưa đáp ứng hạn ngạch do cơ chế này đặt ra là 11 triệu thùng/ngày. Thời điểm một năm trước, các nước OPEC+ thiếu tới 700.000 thùng/ngày so với hạn ngạch, trong khi con số ghi nhận vào tháng 8 năm nay là 3,6 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, kỳ vọng khôi phục giá dầu của OPEC+ được đánh giá là khả thi do đa số các nhà phân tích trong lĩnh vực năng lượng cho rằng việc giảm sản lượng sẽ giúp giá dầu tăng về mức 3 chữ số như thời điểm tháng 6 vừa qua.

Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của hãng PVM Oil Associates có trụ sở ở London (Anh), dự báo thị trường dầu sôi động hơn trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn hoàn toàn có thể đẩy giá dầu trở lại mức mong muốn của OPEC+ là trên 100 đô la Mỹ/thùng. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng cho rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 3 chữ số trong 3 tháng tới, trước khi tăng lên 105 đô la Mỹ và duy trì mức này trong 6 tháng tiếp theo.

Giá dầu tăng cao trở lại có thể là tin vui với thị trường dầu mỏ nhưng với những người tiêu dùng chỉ vừa mới “thở phào” vì hóa đơn năng lượng giảm vài tháng qua, thì thông tin mới này sẽ không dễ chấp nhận. Quyết định của OPEC+ giảm đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày - tương đương 2% nhu cầu tiêu thụ của thế giới, được đưa ra vào thời điểm nhiều nước đang chật vật ứng phó với chi phí năng lượng tăng vọt.

Xem thêm: Góc nhìn của chuyên gia kinh tế khi OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu

Theo giới phân tích, việc đưa một lượng lớn dầu ra khỏi thị trường sẽ đẩy giá dầu thô leo thang, tiếp tục làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã đạt mức cao nhất trong hàng thập niên qua ở nhiều quốc gia. Lạm phát cao hơn đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó việc OPEC+ siết chặt nguồn cung sẽ khiến các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất, gây ảnh hưởng đến hầu hết nền kinh tế trên thế giới.

Mặc dù vậy, còn quá sớm để đánh giá các tác động bởi giá dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Có thể thấy quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể sẽ đẩy giá dầu lại tăng phi mã và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia. Nước cờ của OPEC+ được đưa ra “dựa trên cái chung” nhưng lại “đe dọa cái riêng”. Chính vì vậy, nước cờ này có thể sẽ làm thị trường dầu mỏ toàn cầu biến động mạnh trong thời gian tới./

Bình luận