Phản ứng của AstraZeneca sau khi nhiều nước tạm ngừng sử dụng vắcxin COVID-19 của hãng

(VOH) – Đã có hơn chục nước tại châu Âu cùng một số nước khác như Thái Lan, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Congo… đã tuyên bố tạm ngừng sử dụng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

Sau khi ngày càng có nhiều nước tuyên bố tạm ngừng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca do xuất hiện hiện tượng huyết khối (cục máu đông) sau khi tiêm, ngày 15/3, AstraZeneca đưa ra tuyên bố nói rằng không có bằng chứng cho thấy vắc-xin của họ làm tăng nguy cơ gây huyết khối.

Phản ứng của AstraZeneca sau khi nhiều nước tạm ngừng sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng này 1
Nhiều nước ở châu Âu tạm ngừng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca do lo ngại tác dụng phụ sau tiêm. (Ảnh: AP)

Theo thông tin mới nhất cho biết, tại tỉnh miền Bắc Italia, một người đàn ông đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin và giới chức nước này đã tịch thu hàng ngàn liều vắc-xin của AstraZeneca tại tỉnh này.

Hiện Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Đức đã thông báo sẽ ngừng tiêm vắc-xin của AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa nhằm tránh xảy ra những trường hợp như trên.

Một số nước châu Âu khác như Ireland và Hà Lan ngày 14/6 cũng tuyên bố sẽ tạm ngừng phân phối vắc-xin của AstraZeneca "vì lý do thận trọng". Tuyên bố này được đưa ra sau khi Na Uy ghi nhận một số trường hợp xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Na Uy ngày 15/3 xác nhận rằng 3 người tại nước này đã xuất hiện các triệu chứng như xuất huyết, giảm tiểu cầu và hiện tượng huyết khối sau khi tiêm vắc-xin của AstraZeneca. Một người trong số họ đã tử vong.

Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết có hơn 17 triệu người tại Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm vắc-xin của hãng và không có bằng chứng cho thấy vắc-xin làm tăng nguy cơ tắc mạch phổi, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lô vắc-xin hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Tuyên bố của AstraZeneca chỉ ra rằng số trường hợp bị tắc mạch phổi sau khi tiêm vắc-xin thấp hơn nhiều so với số trường hợp dự kiến ​​xảy ra tự nhiên trong dân số chung có cùng quy mô, và tình trạng này cũng tương tự như những vắc-xin ngừa Covid-19 khác đã được cấp phép.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đều khẳng định không có dấu hiệu cho thấy những trường hợp trên là do vắc-xin gây ra.

Đến nay, có hơn chục nước tại châu Âu cùng một số nước khác như Thái Lan, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Congo… đã tuyên bố tạm ngừng sử dụng vắc-xin của AstraZeneca.

Được biết, Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về An toàn Vắc xin của WHO đang xem xét và đánh giá các báo cáo hiện có về vắc-xin của AstraZeneca, đồng thời liên hệ chặt chẽ với EMA và sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 16/3.