Mỹ, Ấn, Úc, Nhật nhất trí hỗ trợ 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho toàn châu Á

(VOH) - Lãnh đạo các nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đã nhất trí hỗ trợ tài chính, sản xuất và phân phối 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho toàn châu Á từ đây đến cuối năm 2022.

Thông tin trên được Ngoại trưởng Ấn Độ xác nhận vào thứ Sáu ngày 12/3. Ấn Độ hiện đang là quốc gia sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới.

“Bộ tứ” gồm 4 quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản mong muốn mở rộng việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu, đồng thời hạn chế việc Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng không chỉ lên các nước Đông Nam Á mà còn vươn rộng ra thế giới thông qua các chính sách về tiêm chủng.

Sau hội nghị thượng đỉnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến, lãnh đạo 4 nước gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đưa ra tuyên bố chung, cam kết hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề gồm cung ứng và phân phối vắc-xin Covid-19, biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh toàn cầu.

“Chúng ta cố gắng vì một khu vực tự do, cởi mở, hòa nhập, lành mạnh và được gìn giữ bởi các giá trị dân chủ, không bị hạn chế bởi bất kỳ sự áp đặt nào”, trích tuyên bố chung của các lãnh đạo “Bộ tứ”.

Cả 4 nước đã nhất trí thành lập nhóm chuyên gia gồm các nhà khoa học hàng đầu của mỗi nước để cùng triển khai thực hiện việc phân bổ vắc-xin và các vấn đề khác gồm chống biến đổi khí hậu và ký kết hợp tác trong lĩnh vực công nghệ. Dự kiến vào cuối năm nay, “Bộ tứ” sẽ có thêm một hội nghị thượng đỉnh nữa được tổ chức.

Mỹ, Ấn, Úc, Nhật nhất trí hỗ trợ 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho toàn châu Á
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản diễn ra vào ngày 12/3/2021 và đạt được nhiều thỏa thuận chung quan trọng. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô New Delhi, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đánh giá việc hợp tác lần này của 4 quốc gia là vấn đề “cấp bách và có giá trị nhất”.

“Cả 4 quốc gia đều nhất trí với kế hoạch gồm hỗ trợ nguồn tài chính, khả năng sản xuất, sản lượng đầu ra của vắc-xin và tận dụng sức mạnh của hệ thống vận chuyển, giao nhận hàng hóa để đạt mục tiêu tăng cường sản xuất thành công số lượng lớn vắc-xin để phân bổ cho toàn bộ vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng việc này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phục hồi sau đại dịch, và cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ được đẩy lùi”, ông Harsh Vardhan Shringla cho biết.

Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ vận dụng khả năng sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới vốn có của mình để sản xuất vắc-xin Covid-19 do các công ty Mỹ phát triển, với nguồn tài chính từ Tập đoàn Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) hỗ trợ.

Nước Úc sẽ cung cấp tài chính cho các hoạt động huấn luyện nghiệp vụ và hỗ trợ công tác vận chuyển, giao nhận, phân phối vắc-xin. Trong đó, vắc-xin sẽ được vận chuyển chủ yếu đến các quốc đảo ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các nước Đông Nam Á.

Mặt khác, liên quan đến những lo ngại vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) gây đông máu, khiến một số nước quyết định dừng tiêm loại vắc-xin này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng không có lý do để ngưng việc sử dụng vắc-xin của AstraZeneca.

Mỹ, Ấn, Úc, Nhật nhất trí hỗ trợ 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho toàn châu Á
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì "không có lý do gì để ngưng sử dụng vắc-xin AstraZeneca". Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố, WHO cho biết hiện ủy ban cố vấn về vắc-xin của tổ chức này đang nghiên cứu dữ liệu an toàn, đồng thời nêu rõ không có mối liên quan nào giữa vắc-xin và vấn đề đông máu. Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris, khẳng định: “AstraZeneca là một loại vắc-xin hữu hiệu, cũng như các loại vắc-xin khác đang được sử dụng.”

Theo bà, WHO đang xem xét dữ liệu về các trường hợp tử vong. Cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào dược chứng minh là do vắc-xin gây ra. Do đó, các nước nên tiếp tục sử dụng vắc-xin của AstraZeneca để chủng ngừa Covid-19. 

Bình luận