Pháp: Cháy rừng gần Sân bay quốc tế Nice

VOH - Gần 100 nhân viên cứu hỏa đang sử dụng máy bay trực thăng để khống chế một đám cháy rừng tại các khu đô thị Cagnes-sur-Mer và Villeneuve-Loubet gần Sân bay quốc tế Nice.

Đến chiều 25/7, lực lượng cứu hỏa đã kiềm chế được đám cháy gần Cagnes-sur-Mer và các hoạt động cứu hộ vẫn tiếp tục trong đêm. Hiện chưa có báo cáo thương vong hay thiệt hại đối với nhà dân.

Người phát ngôn Cơ quan Hàng không dân dụng Pháp (DGAC) cho biết, đám cháy không ảnh hưởng đến giao thông hàng không nhưng ảnh hưởng đến một khu vực không có người ở, gần một đường cao tốc. Hiện giao thông trên đường cao tốc này và hệ thống giao thông đường sắt đã phải tạm ngừng.

cháy rừng
Hiện giao thông trên đường cao tốc và hệ thống giao thông đường sắt gần khu vực cháy rừng đã phải tạm ngừng.

Vùng Provence-Alpes-Cote-d'Azur, nơi có các thành phố lớn như Marseille, Nice và Aix-en-Provence, đang theo dõi sát tình hình trong bối cảnh nắng nóng và gió mạnh dễ xảy ra cháy rừng. Ngày 25/7, khu vực Bouches-du-Rhone được đặt ở mức “cảnh báo đỏ” vì “nguy cơ rất cao” xảy ra cháy rừng.

Cảnh sát cho biết hơn 300 nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực kiềm chế các đám cháy gần thành phố Arles. Ngoài ra, có nhiều đám cháy khác bùng phát ở miền Nam nước Pháp chiều 25/7. Nhà chức trách đã đóng cửa các công viên và khu chợ để giảm thiểu nguy cơ cho người dân.

Khoảng 6 đám cháy quy mô nhỏ đã được ghi nhận ở các vùng Nouvelle-Aquitaine, Occitanie, Grand Est, Bouches-Du-Rhone và đảo Corsica tại Pháp.

Vào giữa tháng 4, cơ quan nghiên cứu địa chất BRGM của Pháp cho biết, mực nước ngầm rất thấp khiến quốc gia Tây Âu này có nguy cơ đối mặt với tình trạng hạn hán mùa hè tồi tệ hơn so với năm ngoái, chủ yếu khu vực phía nam đất nước.

Thời tiết cực đoan trong suốt tháng 7 đã gây ra những bất thường trên khắp hành tinh, như nhiệt độ cao bất thường ở Trung Quốc, Mỹ và Nam Âu gây cháy rừng, thiếu nước, người dân phải sơ tán và số người phải nhập viện do nắng nóng tăng cao.

Châu Âu cũng đang phải gồng mình chống chọi những tác động của thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, với tháng 6/2023 là tháng nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử theo dõi nhiệt độ toàn cầu 174 năm qua.

Kéo theo đó là nhiều vụ cháy rừng xảy ra tại các quốc gia châu Âu: Croatia, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Nga...

Bình luận