Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Pháp có thể dùng ảnh hưởng hóa giải cuộc chiến tại Li-băng?

VOH - Nhiều thập kỷ qua, Pháp xem Li-băng là quốc gia anh em. Hai nước có quan hệ gần gũi từ khi Pháp kết thúc thời kỳ ủy trị hay bảo hộ Li-băng năm 1946.

Trong lịch sử, Pháp không ít lần hỗ trợ giải quyết những cuộc khủng hoảng của Li-băng. Từ khi cuộc chiến Hezbollah – Israel bùng phát dữ dội tháng 9/2024, Pháp đứng ra làm trung gian hòa giải và kêu gọi Thủ tướng Netanyahu kìm chế, nhưng không thành công.

c_Jean Noel Barrot
Ngoại trưởng Pháp Jean Noel Barrot phát biểu tại Beirut - Ảnh: Khaleej Times

Ngày 30/9, Ngoại trưởng Pháp Jean Noel Barrot trở thành quan chức phương Tây đầu tiên tới Li-băng từ khi Israel bắt đầu chiến dịch ném bom quốc gia láng giềng, khiến 1,2 triệu người phải di tản.

Ông Barrot nói tại Beirut: “Tôi muốn gửi thông điệp ủng hộ và đoàn kết tới Li-băng. Tôi kêu gọi Israel kìm chế mọi cuộc tấn công trên bộ.”

Ngoài ra, ông cũng công bố viện trợ 10 triệu euro cho các hoạt động nhân đạo.

Giáo sư Ziad Majed người Pháp gốc Li-băng tại Paris cho rằng, có khoảng cách giữa tuyên bố của ông Barrot và những giải pháp cụ thể được thực hiện. Paris có mong muốn nhưng thực tế là bài toán khác.

Cuối tháng 9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, Paris phản đối biến Li-băng thành Gaza thứ 2. Ông cảm thấy sốc về số lượng thương vong của dân thường sau các vụ ném bom vừa qua.

Pháp và Mỹ cũng đề xuất 1 kế hoạch chung, kêu gọi ngừng bắn 21 ngày giữa Israel và Hezbollah, nhưng giới chức nhà nước Do Thái đã công khai bác bỏ.

Theo bộ y tế Li-băng, từ khi xung đột Hezbollah – Israel diễn ra, khoảng 2.000 người ở Li-băng đã thiệt mạng, trong đó có 2 công dân Pháp.

Theo ước tính, có khoảng 23.000 người Pháp sinh sống ở Li-băng. Con số tương đối nổi bật tại Trung Đông.

Ông Jean-Luc Melechon, lãnh đạo phong trào cánh tả LFI chia sẻ trên mạng xã hội rằng, Pháp sẽ mất hết ảnh hưởng và vị thế tại Li-băng, nếu không làm gì đó để ngăn chặn tội ác của Israel.

Theo nhà báo Dalal Mawad người Li-băng, Pháp đang tăng cường các sáng kiến ngoại giao, vì họ hiểu sẽ không tốt đẹp gì nếu nước ngày rơi vào cuộc chiến toàn diện. Trong 1 năm qua, Pháp đã thiên vị Israel về vấn đề Gaza, nhưng với Li-băng có đôi chút khác biệt, vì Paris vẫn duy trì lợi ích tại vùng cựu thuộc địa này.

Một số ý kiến cho rằng, dù Pháp có nỗ lực đến đâu, thì ảnh hưởng cũng không bằng Hoa Kỳ.

Nhà báo Mawad nói tiếp: “Nhiều người cho rằng, Pháp là số ít quốc gia phương Tây có thể đối thoại với Hezbollah, vì chỉ xem cánh quân sự của Hezbollah là khủng bố. Li-băng hoan nghênh đề xuất hòa bình của Pháp, nhưng sự thật là Paris không có tiếng nói đủ lớn với Israel.”

Bình luận