Ngày 14/12, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định nước này sẽ tránh được kịch bản cắt điện luân phiên trong mùa đông năm nay.
Bộ trưởng Le Maire cho biết đến tháng 1/2023, Pháp sẽ đưa 45 lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động, tăng từ mức 41 lò hiện nay.
Ông tin rằng điều này sẽ giúp Pháp tránh phải cắt điện trong mùa đông, dù thời tiết lạnh khắc nghiệt đang bao phủ toàn châu Âu.
Giám đốc điều hành mạng lưới điện Pháp (RTE) Thomas Veyrenc cũng cho biết, RTE đã giảm xuất khẩu điện tới Anh, nhập khẩu nhiều hơn từ Bỉ và Italy trong bối cảnh nguồn cung năng lượng hạn hẹp trong mùa đông.
Xem thêm: NATO tăng cường vũ khí trước các mối đe dọa từ UAV
Cơ quan quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) cũng cho biết nước này hiện không có nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhưng kêu gọi các hộ gia đình và các doanh nghiệp tiếp tục các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức 92,45%, cao hơn nhiều so với mức khẩn cấp và cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 87,34%. Lượng dự trữ này có thể giúp Đức vượt qua thời tiết lạnh trong 3 tuần.
Theo Hãng tin AFP, Đức đã chi 1,5 tỷ euro (1,46 tỷ USD) để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp chính là Qatar và Mỹ.
Đức quyết định thoát phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga do chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo kế hoạch của Berlin, nước này sẽ từ bỏ than và dầu của Nga.