Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói rằng việc các nước được tiếp cận vắc-xin với cơ hội như nhau là điều hiển nhiên và “không thể đem ra thảo luận”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Agnès Pannier-Runacher đã phản ứng trước những bình luận của Giám đốc điều hành (CEO) Sanofi, Paul Hudson khi người này cho rằng "chính phủ Mỹ có quyền đặt hàng trước (vắc-xin) với đơn hàng lớn nhất, vì họ đã triển khai đầu tư vào các rủi ro.”
Trước tình hình này, chủ tịch Hội đồng quản trị của Sanofi - ông Serge Weinberg đã lên tiếng cho rằng các phát biểu của CEO tập đoàn có thể đã bị hiểu sai. Phát biểu trên truyền hình, ông khẳng định: “Tôi cực kỳ rõ ràng quan điểm rằng sẽ không có quốc gia nào có đặc quyền đối với vắc-xin, tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau.”
Hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng chống Covid-19 của Sanofi một phần được tài trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến của Mỹ (BARDA). Tuy nhiên, trong những năm gần đây Sanofi cũng đã nhận được hàng chục triệu euro từ chính phủ Pháp dưới hình thức trợ thuế nhằm giúp đỡ hoạt động nghiên cứu của hãng.
Ngày 14/5, giám đốc tài chính của Sanofi (CFO) là Olivier Bogillot nói rằng "mục tiêu là có được vắc-xin cho nước Mỹ cũng như Pháp và Châu Âu cùng một lúc". Ông cũng cho rằng điều đó chỉ có thể khả thi "nếu như người châu Âu làm việc nhanh như người Mỹ," và nói thêm rằng chính phủ Mỹ đã cam kết chi "hàng trăm triệu euro" cho tiến trình này.
Trụ sở chính của Sanofi đặt tại Paris và được chính phủ Pháp tài trợ thông qua hình thức cắt giảm thuế. Ảnh: Reuters
Tháng trước, Sanofi hợp tác với hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh để cùng nghiên cứu về một loại vắc-xin, tuy nhiên việc thử nghiệm vẫn chưa bắt đầu.
Người phụ trách công tác nghiên cứu vaccine ở Sanofi, John Shiver, nói: "chúng tôi đang dùng công nghệ có sẵn vốn được đưa ra để xử lý bệnh cúm, và chúng tôi đang áp dụng nó lên loại virus mới, loại gây ra bệnh Covid-19".
Sanofi cho biết GSK sẽ đóng góp công nghệ phụ trợ của họ, một thành phần nhiên liệu để bổ sung vào nhằm làm tăng phản ứng miễn dịch, giảm lượng protein cần thiết trong mỗi liều vắc-xin và tăng mức hiệu quả của vắc-xin khi đưa vào sản xuất đại trà.
Loại vắc-xin mới phòng chống Covid-19 được trông đợi là sẽ đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong nửa cuối năm 2020 và sẽ đem ra ứng dụng vào nửa đầu năm 2021.
Vào đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã chủ trì một hội nghị trực tuyến thượng đỉnh toàn cầu nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về Sars-CoV-2, và đã đạt được các cam kết đóng góp 8 tỷ USD từ 40 quốc gia và các nhà tài trợ trên thế giới.