Phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu

(VOH) - Đất hiếm - loại khoáng sản có vai trò quan trọng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao - vừa được phát hiện ở Thụy Điển với trữ lượng lớn nhất châu Âu.

Ngày 12/1, công ty khai khoáng LKAB của Thụy Điển thông báo đã phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu tại thành phố Kiruna ở vùng cực Bắc nước này. Thông báo của LKAB nêu rõ mỏ đất hiếm này nằm cạnh một mỏ quặng sắt và có trữ lượng ước tính hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác định được trữ lượng chính xác.

Tính đến hiện tại, vẫn chưa có mỏ đất hiếm nào được khai thác ở châu Âu. Do đó việc phát hiện mỏ đất hiếm với trữ lượng ước tính lớn nhất châu lục được xem là tin tức vô cùng phấn khởi, giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai - trích lời của một Bộ trưởng ở Thụy Điển. 

Theo số liệu năm 2021, khoảng 98% đất hiếm được sử dụng ở châu Âu và năm này được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, phát hiện này cũng giúp ích cho quá trình "chuyển đổi xanh", khi nhu cầu về xe điện và các thiết bị sản xuất điện gió sẽ tăng trong thời gian tới. 

Phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu ở Thụy Điển
Trụ sở công ty khai khoáng LKAB của Thụy Điển. Ảnh: BBC

Giám đốc điều hành (CEO) của LKAB - ông Jan Mostrom cho biết thời điểm để mỏ đất hiếm chính thức được khai thác có thể phải mất từ 10 - 15 năm nữa vì cần giấy phép. Quá trình cấp phép dự kiến sẽ kéo dài vì cần nhiều thời gian để đánh giá các tác động của việc khai thác đối với môi trường. 

Đất hiếm là gì?

Đất hiếm (Rare earth) là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất, thường được phân bố với trữ lượng thấp, khó khăn và đắt đỏ trong khai thác. Đây là một nhóm 17 nguyên tố có từ tính và tính điện hóa đặc biệt, có vai trò thiết yếu trong sản xuất công nghệ cao như thuốc điều trị ung thư, điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ xanh như xe điện, tua-bin quạt gió... Đất hiếm còn được ứng dụng trong sản xuất vũ khí và các thiết bị quân sự, có thể kể đến như các hệ thống dẫn đường tên lửa.

Đất hiếm là các nguyên tố rất độc, nhiều nguyên tố trong nhóm này còn có tính phóng xạ. Vì thế, nếu khai thác không đảm bảo sẽ rò rỉ ra môi trường. Đặc biệt, tuyển chọn, khai thác và chế biến đất hiếm đòi hỏi phải có quy trình công nghệ rất cao, tiềm ản rủi ro gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người công nhân.

Phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu ở Thụy Điển
Đất hiếm là nhóm nguyên tố có tính chất đặc biệt, đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động sản xuất công nghệ cao. 

Ngoài ra, quá trình khai thác đất hiếm có thể tàn phá môi trường. Các mỏ khai thác sẽ đặt hệ sinh thái vào thế nguy hiểm khi thải ra các sản phẩm phụ gốc kim loại, gây ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, việc khai thác đất hiếm cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, cẩn thận.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, trữ lượng đất hiếm hiện nay trên thế giới khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất khoảng 44 triệu tấn. 

Bình luận