Sự trượt giá của đồng ruble Nga diễn ra trong bối cảnh nguồn cung ngoại hối thấp hơn và dòng vốn chảy ra cùng với thanh khoản bị hạn chế.
Trong phiên 6/4, đồng ruble giảm 0,3% so với đồng USD, xuống còn 80,09 ruble/USD. Trước đó trong phiên có thời điểm đồng ruble giao dịch ở mức 1 USD đổi 80,24 ruble, mức thấp nhất kể từ ngày 18/4/2022.
Đồng ruble cũng giảm 0,2% so với đồng euro, giao dịch ở mức 1 euro đổi 87,47 ruble, và giảm 0,4% so với đồng nhân dân tệ, giao dịch ở mức 1 nhân dân tệ đổi 11,63 ruble.
Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn toàn cầu dùng để xuất khẩu chính của Nga, cũng đã giảm 0,5% xuống 84,6 USD/thùng. Nga hiện đang bán lượng ngoại tệ trị giá 8,9 tỷ Ruble (121,83 triệu USD) mỗi ngày, bù đắp cho việc doanh thu từ dầu khí giảm.
Nguồn doanh thu từ năng lượng sụt giảm và chi tiêu tăng vọt đã khiến ngân sách liên bang của Nga thâm hụt khoảng 25 tỷ USD trong tháng 1/2023, do các lệnh trừng phạt và chi phí cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đè nặng lên nền kinh tế.