Người phát ngôn của Tổng thống Philippines - Salvador Panelo dẫn lời ông Durtete tại một cuộc họp thường kỳ cho biết: “Đây là thời điểm chúng tôi phải dựa vào chính mình, chúng tôi sẽ phải gia tăng sức mạnh phòng vệ của chính mình và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác.”
Thỏa thuận quân sự mà Tổng thống Durtete muốn chấm dứt với Mỹ là Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm (VFA), được ký kết vào năm 1998. Theo đó, hàng ngàn binh lính Mỹ sẽ được hợp pháp đồn trú tại Philippines để phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo hoặc diễn tập quân sự. Ước tính có khoảng hàng chục lần quân đội Mỹ đóng tại Philippines hàng năm theo thỏa thuận này.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Brigido Dulay xác nhận thông báo hủy bỏ VFA đã được Ngoại trưởng Teodoro Loscin Jr. ký duyệt trong cùng ngày. Thông báo sẽ được gửi đến đại sứ quán Mỹ ở Manila "ngay lập tức".
Tổng thống Philippines Rodrigo Durtete. Ảnh: Tasnim
Mối quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Mỹ nối lại vào đầu những năm 1950 và được kiểm soát bởi Hiệp ước Tương hỗ Quốc phòng (MTD) cùng với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA) - được ký kết dưới thời Tổng thống Mỹ Obama.
Theo Reuters, ông Duterte đưa ra quyết định trên sau khi cựu cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa - người chỉ huy chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines, cho biết thị thực Mỹ của ông bị hủy bỏ vì vấn đề liên quan đến việc giam giữ một thượng nghị sĩ thường xuyên chỉ trích ông Duterte.
Đây là lần đầu tiên ông Duterte hủy bỏ một thỏa thuận với Mỹ sau khi liên tục cáo buộc chính quyền Washington "đạo đức giả" và đối xử tệ với Philippines trong suốt 3 năm qua.
Trước đó, trong một bài phát biểu vào ngày 10/2, ông Duterte đã tiết lộ vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được cất giữ tại Philippines. Ngoài ra, Tổng thống Philippines cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ khiến đất nước của ông trở thành mục tiêu tiềm năng bị xâm lược.
Theo Reuters, các động thái của ông Durtete thời gian qua cho thấy ông có phần ủng hộ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Nga, hơn là với Mỹ. Durtete thường xuyên ca ngợi và dường như “thổi phồng” sự đóng góp quân sự của Nga và Trung Quốc đối với Philippines. Con số này thực tế hoàn toàn “lép vế” nếu so với số tiền 1,3 tỷ USD mà Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho Philippines từ năm 1998.