Philippines nhờ tin tặc ‘giúp đỡ’ trước mối đe dọa mạng

VOH - Theo công ty an ninh mạng Surfshark, hơn 60.000 tài khoản tại Philippines đã bị xâm phạm trong quý 3/2023, đưa nước này vào danh sách 30 quốc gia bị tấn công nhiều nhất thế giới.

Vào tháng 9, công ty bảo hiểm Philippine Health Insurance đã bị rò rỉ dữ liệu lớn. Tin tặc cũng đã phá hủy trang web của Hạ viện nước này chỉ vài tuần sau đó.

Sherwin Ona, nhà tư vấn về phòng thủ mạng cho Hội đồng An ninh Quốc gia và là Phó giáo sư tại Đại học De ​​La Salle ở Manila cho biết: “Các cuộc tấn công mạng là mối đe dọa lớn hơn việc bắn vòi rồng”.

Philippines
Do thiếu nhân lực, Philippines phải nhờ tin tặc ‘giúp đỡ’ trước mối đe dọa mạng

Đội phản ứng mạng của chính phủ Philippines có 35 thành viên. Jeffrey Ian Dy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhóm này thiếu nhân lực đến mức đôi khi buộc phải làm việc với các tin tặc "mũ đen" ẩn danh, những kẻ trước đây có thể đã tấn công các trang web của chính phủ nhưng sẵn sàng đưa ra lời khuyên về các mối đe dọa sắp xảy ra.

Dy nói: “Liệu chúng tôi có đủ năng lực hay không khi chỉ có 30 người xem xét từng điểm yếu? Chúng tôi không có” - Dy nói và cho biết thêm, lý tưởng nhất là có khoảng 200 người.

Ông cho biết, thiếu vốn là trở ngại chính. Theo nghiên cứu được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ, Philippines thiếu thang lương cạnh tranh để tuyển dụng và giữ chân nhân tài mạng trong các cơ quan chính phủ.

Các cơ quan chính phủ không phải là những cơ quan duy nhất ngày càng chú ý đến mối đe dọa này. Romeo Brawner Jr., tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines đã công bố kế hoạch vào tháng 10 để tuyển thêm "chiến binh mạng" để chống lại ‘mối đe dọa gần như hàng ngày’, bao gồm cả từ các lực lượng nước ngoài không xác định.

Brawner cho biết: “Trên toàn thế giới, mạng thực sự đang trở thành một lĩnh vực rất quan trọng trong chiến tranh. Dòng chiến binh mới này không nhất thiết phải có cơ bắp. Những gì chúng tôi cần là những cá nhân thông minh và rất khéo léo trong lĩnh vực mạng”.

Xem thêm: Mỹ truy tố hacker người Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu về Covid-19

Trong một báo cáo vào tháng 11/2023, một nhóm tin tặc Trung Quốc có tên Stately Taurus được cho là đã thực hiện một cuộc tấn công làm tổn hại một cơ quan chính phủ Philippines, trùng với các cuộc đụng độ giữa tàu của hai nước ở Biển Đông. 

Theo Palo Alto Networks, công ty an ninh mạng của Mỹ cho rằng, các hoạt động của Stately Taurus “phù hợp với các chủ đề địa chính trị mà chính phủ Trung Quốc quan tâm”.

Các quan chức Philippines cho biết rất khó để xác định bất kỳ cuộc tấn công mạng nào vào một quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, vi phạm an ninh trực tuyến ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn phổ biến. 

Trong những tháng gần đây, các chính phủ trên thế giới đã cảnh báo về mối đe dọa kỹ thuật số tiềm tàng của Trung Quốc.

Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Trung Quốc hiện có thể là mối đe dọa gián điệp mạng rộng nhất, tích cực nhất và dai dẳng nhất đối với Chính phủ Hoa Kỳ và các mạng lưới khu vực tư nhân”. 

Vào tháng 5 năm ngoái, cơ quan tình báo của Anh cũng cảnh báo về những mối đe dọa mới từ các tin tặc của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ phản đối “những tin đồn và vu khống vô căn cứ” và lập trường của nước này về an ninh mạng là nhất quán và rõ ràng - trong một phản hồi qua email trước yêu cầu bình luận của Bloomberg News. Trung Quốc gọi Mỹ là hacker hàng đầu thế giới.

Bình luận