Các chuyên gia này sẽ luôn sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, như ngăn chặn tấn công và ngăn chặn các hoạt động xâm nhập của đối phương, cũng như của các tổ chức tội phạm.
Mục đích tăng quân số, do thời gian qua Nhật Bản đối mặt hàng loạt cuộc tấn công mạng, từ tổ chức tội phạm lẫn tổ chức do chính phủ nước ngoài điều hành. Mục đích tấn công nhằm ăn cắp công nghệ nhạy cảm, thông tin nhạy cảm hoặc tiền điện tử.
Chính phủ Nhật đặt mục tiêu thu hút nhiều nhân tài hơn, tham gia vào sứ mệnh phòng thủ trên không gian mạng. Do đó, 1 cơ chế tuyển dụng và đào tạo riêng biệt đã được thiết lập. Ví dụ nhân sự không cần tốt nghiệp trường của bộ quốc phòng, miễn là có tay nghề cao. Hiện nay trong quân đội Nhật, để trở thành sĩ quan chính quy, cần tốt nghiệp trường của bộ quốc phòng hoặc đại học tổng hợp.
Bỏ qua những quy định này cho thấy, nhu cầu an ninh mạng tại Nhật đang ngày càng cấp bách.
Tháng 6/2024, tập đoàn truyền thông Kadokawa đã bị tin tặc tấn công, khiến dịch vụ chia sẻ video Niconico ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng. Ngoài ra, các cuộc tấn công nhằm vào những tập đoàn hàng đầu như Mitsubishi Heavy Industries hay Kawasaki Heavy Industries, vẫn thường xuyên được báo cáo. Mục đích là để đánh cắp công nghệ nhạy cảm, liên quan tới tàu ngầm, viễn thông hoặc tác chiến điện tử.
Chính phủ Nhật đang soạn những dự luật, để hợp pháp hóa các hoạt động phòng thủ chống lại tấn công mạng. Bộ trưởng quốc phòng Minoru Kihara ngày 2/7 nói rằng, lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) đang tập trung cho sứ mệnh trên như 1 trong những ưu tiên hàng đầu.
Quân đội Nhật thành lập đơn vị tác chiến mạng năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, đơn vị này có 620 người. Kế hoạch tăng lên 4.000 quân số vào năm 2027, nghĩa là tăng gấp 6 lần.
Dẫu vậy chính phủ Nhật Bản cho biết, chuyên gia từ công ty tư nhân sẽ được gọi đến làm nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp. Bộ quốc phòng cũng hợp tác với khối tư nhân, để bảo trì hệ thống mạng nhạy cảm của quân đội.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù Nhật Bản muốn mở rộng quy mô lực lượng đặc biệt này, nhưng quân số vẫn rất nhỏ so với láng giềng hoặc đồng minh.
Hoa Kỳ có bộ tư lệnh an ninh mạng từ năm 2010. Hiện khoảng 6.200 nhân sự. Trung Quốc có lực lượng an ninh và tấn công mạng đông đảo, với khoảng 30.000 người. Triều Tiên được cho có khoảng 6.800 chuyên gia với tay nghề rất cao, thường xuyên tấn công để đánh cắp tiền kỹ thuật số trên khắp thế giới.
Theo công ty tuyển dụng nhân sự Recruit của Nhật, mức lương bình quân trong lực lượng vũ trang khó hấp dẫn các chuyên gia an ninh mạng. Đây là những vị trí quan trọng, nên họ được đãi ngộ cao nếu làm việc ở lĩnh vực tư nhân. Ví dụ nhiều người được trả lương tới 50.000 USD mỗi tháng, con số lớn gấp 7 đến 10 lần, nếu so sánh với môi trường quân đội. Do vậy, để thực sự tuyển dụng được nhân tài, bộ quốc phòng Nhật cần cải cách nhiều thứ, như cơ chế đãi ngộ, lương bổng, tiêu chuẩn, điều kiện làm việc và quy trình tuyển dụng.