Quyền Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM Sunil Babu: “Chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch”

(VOH) - Ấn Độ cũng sẵn sàng hỗ trợ nếu các công dân trở về nước, và Tổng Lãnh sự quán sẽ luôn thông tin sớm nhất các quyết định từ Chính phủ đến công dân.

Tính đến 8h, ngày 15/4, Ấn Độ có khoảng 11.500 ca nhiễm SARS-CoV-2, 393 trường hợp đã tử vong vì dịch bệnh này. Trước đó, ngày 25/3, Ấn Độ đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3 và kéo dài đến 3 tuần. Truyền thông quốc tế bày tỏ sự lo ngại về một "thảm họa nhân đạo" có thể xảy ra ở Ấn Độ, khiến hơn 1,3 tỷ người bị ảnh hưởng vì đa phần dân số Ấn Độ là người nghèo và cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt phong tỏa. Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành những biện pháp gì trước khi thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc? Đài TNND TPHCM (VOH) đã có phỏng vấn ông Sunil Babu, Quyền Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM chung quanh việc phòng chống dịch Covid-19.

Quyền Tổng Lãnh sự Ấn Độ Sunil Babu.

Quyền Tổng Lãnh sự Ấn Độ Sunil Babu.

*VOH: Thưa ông, trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, Ấn Độ đã xử lý đại dịch này như thế nào?

Ông Sunil Babu: Chính phủ Ấn Độ đang xử lý khá tốt và hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đối một quốc gia có quy mô dân số hơn 1 tỷ 300 triệu người. Tính đến ngày 13/4, Ấn Độ ghi nhận 9.240 ca nhiễm, 331 ca tử vong và 1.096 trường hợp đã phục hồi và 7.813 ca đang được điều trị. Quan trọng nhất, Ấn Độ đã hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng. Và dựa vào đó, tôi có thể khẳng định: Ấn Độ đang thực hiện tốt các biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

*VOH: Những điểm chính mà Ấn Độ đã thực hiện để đối phó với dịch bệnh trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Ông Sunil Babu: Chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dựa trên sự chủ động để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Bắt đầu từ giữa tháng 1, chúng tôi đã giám sát tất cả các chuyến bay và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Chính phủ cũng hạn chế việc đi lại và cấp thị thực cho người nước ngoài. Thủ tướng Ấn Độ đã yêu cầu thực hiện tự giới nghiêm vào ngày 22/3 và nhận được sự tham gia và ủng hộ chưa từng có. Sau đó, Ấn Độ đã thực hiện phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, kể từ ngày 25/3. Chính phủ cũng đang xem xét ý kiến từ chính quyền các bang để cân nhắc việc có nên tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần nữa không. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường sự chuẩn bị về y tế và xét nghiệm để đảm bảo đối phó với các diễn biến của dịch bệnh. Chính phủ đã công bố gói cứu trợ trị giá 22 tỷ USD để cung cấp một mạng lưới an sinh cho các đối tượng khó khăn trong xã hội; xây dựng kế hoạch kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan từ các ổ dịch. Nhìn chung, Ấn Độ đang làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh.

*VOH: Truyền thông quốc tế đang bày tỏ lo ngại về một “thảm họa nhân đạo” do lệnh phong tỏa vừa nêu, liệu có đúng không? Chính phủ Ấn Độ đã có những động thái nào để giúp người nghèo trong thời gian cách ly xã hội?

Ông Sunil Babu: Như tôi đã đề cập, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói cứu trợ 22 tỷ USD để cung cấp một mạng lưới an sinh cho các đối tượng khó khăn trong xã hội. Trong hệ thống của chúng tôi, mỗi người dân đều được cấp một tài khoản ngân hàng dựa trên dữ liệu định danh của Chính phủ. Và số tiền trợ cấp sẽ được chuyển trực tiếp đến tài khoản của những người nghèo và những người lao động gặp khó khăn, cũng như những người cần hỗ trợ khẩn cấp. Chính phủ cũng thành lập Đường dây hỗ trợ và giúp đỡ đến tận nhà đối tượng không thể rời khỏi nhà như người già, người bệnh trong giai đoạn phong tỏa. Lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn cho phép người dân ra khỏi nhà với lý do chính đáng như mua thức ăn, nhu yếu phẩm… Ngoài ra, các trại thực phẩm cũng được thành lập trên khắp Ấn Độ và mỗi trại có thể cung cấp thức ăn cho 1,25 triệu người. Trong giai đoạn phong tỏa này, người dân chỉ cần liên hệ với chính quyền. Các nhu cầu về thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết của họ sẽ được cung cấp đầy đủ đến nơi cư trú.

*VOH: Trên bình diện quốc tế, Ấn Độ đã làm gì để giúp cộng đồng toàn cầu đối phó đại dịch này?

Ông Sunil Babu: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ động xây dựng một chiến lược chung thông qua Hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo trong Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực (SAARC) vào ngày 15/3 và đề xuất lập một Quỹ khẩn cấp chống dịch. Ấn Độ cam kết đóng góp một khoản trị giá 10 triệu USD. Tại Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo nhóm G20 ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng Modi cũng tham dự và cho hay: Ấn Độ đã hỗ trợ sơ tán hơn 20.000 người nước ngoài từ Ấn Độ trở về nước. Chính phủ cũng cam kết gia hạn thị thực miễn phí và hỗ trợ cho những người nước ngoài mắc kẹt tại Ấn Độ. Chúng tôi cũng đã đưa các chuyên gia y tế và thiết bị hỗ trợ y tế cho các quốc gia Maldives và Kuwait. Thêm nữa, Ấn Độ đã cung cấp thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine cho hơn 13 quốc gia có nhu cầu để cùng nhau đối phó với đại dịch SARS-CoV-2.

 *VOH: Ông nghĩ gì về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó đại dịch COVID-19?

Ông Sunil Babu: Tôi đánh giá cao Việt Nam và chúc mừng đất nước các bạn đã làm rất tốt việc ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, khi chúng ta nhìn vào số ca nhiễm và so sánh với tình hình dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới. Số ca nhiễm tại Việt Nam đến nay là 267 và 169 ca (số liệu ngày 15/4) đã được trị khỏi và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Những số liệu này là rất đáng khích lệ và cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp ngăn chặn sớm, như hạn chế thị thực và di chuyển cũng như điều tra dịch tễ và cách ly tập trung, đã mang lại kết quả tích cực. Và thay mặt cho nhân dân Ấn Độ cũng như công dân toàn cầu, tôi tin tưởng rằng chúng ta, Ấn Độ, Việt Nam và thế giới, sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch lần này.

*VOH: Hiện nay cộng đồng Ấn Độ tại Việt Nam có nhận xét ra sao trước tình hình dịch bệnh và họ có nguyện vọng được hỗ trợ trở về nước hay không?

Ông Sunil Babu: Về cộng đồng Ấn Độ tại Việt Nam, trước hết tôi trân trọng thông báo về việc Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) ở TPHCM đã đóng góp ủng hộ 300 triệu đồng đến Sở Y tế Thành phố nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, một công ty Ấn Độ khác là công ty TNHH Wipro Việt Nam đã ủng hộ sản phẩm hỗ trợ người nghèo tại tỉnh Bình Dương trị giá 750 triệu đồng thông qua Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương.

Về phía Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM, chúng tôi hỗ trợ các công dân Ấn Độ gia hạn thị thực trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, thường xuyên liên lạc và có các hỗ trợ cần thiết cho sự an toàn của công dân. Đối với các công dân Ấn Độ tại các khu cách ly tập trung, chúng tôi cũng lập danh sách và thường xuyên liên lạc hỗ trợ. Hiện nay, do Ấn Độ đang trong giai đoạn phong tỏa nên các chuyến bay đến Ấn Độ không thể thực hiện được. Công dân Ấn Độ đang sinh sống tại Việt Nam cũng không có nhiều nguyện vọng trở về nước, vì tôi nghĩ họ cảm thấy Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh tốt và mỗi người cảm thấy rất an toàn tại đất nước các bạn. Ấn Độ cũng sẵn sàng hỗ trợ nếu các công dân trở về nước, và Tổng Lãnh sự quán sẽ luôn thông tin sớm nhất các quyết định từ Chính phủ đến công dân.

*VOH: Cảm ơn ông

Cập nhật COVID-19: Sáng 15/4, thêm 1 ca bệnh từ ổ dịch Hạ Lôi - (VOH) - Sáng 15/4, Bộ Y tế thông báo có thêm 1 ca bệnh từ ổ dịch Hạ Lôi, Hà Nội. Đây là ca thứ 267 ở Việt Nam và là ca thứ 13 xuất phát tử ổ dịch này.