Reuters: Mỹ và Trung Quốc đàm phán về vũ khí hạt nhân

VOH - Mỹ và Trung Quốc vừa nối lại cuộc đàm phán bán chính thức về vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên sau 5 năm.

Reuters dẫn lời 2 thành viên phái đoàn Mỹ đưa tin, nước này và Trung Quốc được cho đã tổ chức hoạt động đàm phán bán chính thức về vũ khí hạt nhân hồi tháng 3, sau 5 năm gián đoạn.

Học giả David Santoro, người tổ chức cuộc đàm phán Track II của Mỹ, đã lần đầu chia sẻ với Reuters về cuộc thảo luận này.

Khái niệm Track II ám chỉ những biện pháp ngoại giao bên ngoài kênh chính thức của các chính phủ. Hoạt động này thường có sự tham gia của các học giả, cựu quan chức, nhà báo, thương nhân tham gia. Trong khi đó, kênh Track I ám chỉ các cuộc đối thoại chính thức giữa các quan chức cấp cao.

My Trung Hat Nhan
Tên lửa Trung Quốc trong một sự kiện duyệt binh - Ảnh minh họa: Reuters

Ông Santoro cho biết, trong cuộc đàm phán, phía Trung Quốc đã khẳng định sẽ không xử lý vấn đề Đài Loan bằng vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, cần phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Trong sự kiện, phái đoàn Mỹ có khoảng 6 người, bao gồm cựu quan chức, học giả. Họ đã thảo luận với phía Trung Quốc trong 2 ngày tại Thượng Hải.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã cử một phái đoàn gồm các học giả và nhà phân tích, trong đó có một số cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc đàm phán Track II có thể mang lại lợi ích. Người phát ngôn cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã không tham gia vào cuộc đàm phán hồi tháng 3 mặc dù họ biết về sự kiện.

Quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh, những cuộc thảo luận như vậy không thể thay thế các cuộc đàm phán chính thức.

Phía Mỹ cho rằng, những cuộc thảo luận như vậy không thể thay thế các cuộc đàm phán chính thức, với yêu cầu những người tham gia phát biểu một cách có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc đàm phán nói trên có thể giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán chính thức.

Cuộc đàm phán không chính thức giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân được xem là đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc căng thẳng vì hàng loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị.

Bình luận