Bên cạnh đó, Tổng thống Jair Bolsonaro cũng cho rằng nguyên nhân cháy có thể là do các hoạt động nông nghiệp bất hợp pháp.
“Những quốc gia đang gửi tiền về đây, họ không làm vậy vì mục đích từ thiện. Họ gửi tiền vào đây chỉ vì mục đích muốn can thiệp vào chủ quyền của chúng ta”, ông Bolsonaro phát biểu trong một chương trình phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook vào ngày 22/8.
Tuy nhiên, trước đó cùng ngày ông Bolsonaro cũng đã thừa nhận rằng Brazil đang không đủ nguồn lực cần thiết để kiểm soát đám cháy. “Rừng Amazon còn rộng hơn cả châu Âu, làm sao chúng ta có thể chiến đấu với ngọn lửa trên diện tích rộng như thế? Chúng ta không có đủ nguồn lực để làm điều này”, ông Bolsonaro cho biết.
Lá phổi xanh của thế giới đang bốc cháy dữ dội nhiều ngày qua (Ảnh: BBC)
Phản ứng của Tổng thống Brazil được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đều đăng tải trên mạng xã hội Twitter bày tỏ lo ngại về những đám cháy tại rừng Amazon đã đạt ngưỡng phá kỷ lục trong năm nay, tàn phá khu rừng được coi là lá phổi xanh của trái đất vốn có vai trò quan trọng trong phòng chống tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo đó, nhà lãnh đạo Pháp đã gọi vụ cháy rừng Amazon là “khủng hoảng mang tính quốc tế” và gợi ý điều này nên được thảo luận tại G7 - hội nghị nhóm các nước phát triển dự kiến sẽ khai mạc tại Biaritz, Pháp vào ngày thứ Bảy 24/8.
Trong khi đó, Tổng thư ký Guterres bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những vụ hỏa hoạn và nói thêm rằng cộng đồng quốc tế không thể để “một nguồn cung cấp oxy và hệ thống sinh thái này tiếp tục bị hủy hoại."
Khói bụi vì cháy rừng Amazon bao phủ đen kịt nhiều thành phố ở Brazil dù đang là ban ngày (Ảnh: BBC)
Theo số liệu của chính phủ Brazil, các vụ cháy tại rừng Amazon đến thời điểm này đã tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các vụ hỏa hoạn là chuyện thường xuyên và cũng xảy ra một cách tự nhiên trong mùa khô, song các nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích việc nông dân Brazil đốt cháy rừng ngày càng thường xuyên để có đất canh tác.
Hoạt động nông nghiệp gia tăng ở khu vực Amazon có một phần được khích lệ ngầm bởi Tổng thống Bolsonaro – người mới lên nắm quyền vào tháng 1 vừa qua. Ông Bolsonaro từng nhiều lần nói rằng ông tin Brazil nên mở rộng cửa Amazon vì lợi ích kinh doanh, cho phép các công ty khai thác khoáng sản, gỗ cũng như tận dụng tài nguyên thiên nhiên và triển khai các hoạt động nông nghiệp tại đây.
Vào ngày 21/8, ông Bolsonaro đã đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ đã châm lửa đốt rừng, song ông không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Ngay hôm sau, ông Bolsonaro lại nói rằng hoạt động nông nghiệp bất hợp pháp có thể là nguyên nhân đằng sau các vụ hỏa hoạn.
Các công tố viên liên bang ở Brazil cho biết họ đang điều tra sự đột biến trong nạn phá rừng và cháy rừng hoành hành ở bang Para để xác định xem cơ quan chức năng có giảm hoạt động giám sát và thực thi bảo vệ môi trường hay không. Các công tố viên sẽ xem xét một quảng cáo đã được đăng trên một tờ báo địa phương khuyến khích nông dân tham gia vào Ngày Lửa, trong đó sẽ đốt những khu rừng rộng lớn để lấy đất canh tác.
Chủ tịch Hạ viện Brazil Rodrigo Maia xác nhận trên Twitter rằng ông sẽ thành lập một ủy ban để theo dõi tình hình cháy rừng, đồng thời cam kết sẽ thành lập một nhóm đặc biệt với nhiệm vụ đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp cho chính phủ.
Trong khi đó, Colombia - quốc gia Nam Mỹ cũng có phần lãnh thổ nằm ở rừng Amazon, hôm 22/8 cũng đã tuyên bố sẵn sàng tham gia bảo vệ rừng. Bộ Ngoại giao Colombia cho biết chính phủ nước này đang tiến hành những hoạt động nhằm kiềm chế hỏa hoạn lan sang phần rừng thuộc lãnh thổ Colombia và sẽ hợp tác với các nước trong khu vực.
Hình ảnh từ vệ tinh vũ trụ của NASA cho thấy hàng loạt đám cháy đã bao phủ nhiều bang của Brazil gồm Amazonas (nửa trên bên trái), Para (phía trên bên phải), Mato Grosso (phía dưới bên phải) vào ngày 11/8/2019 (Ảnh: BBC)
Brazil hiện đang phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế ngày càng lớn đối với việc xử lý vụ cháy rừng mưa nhiệt đới Amazon, trong đó 60% diện tích rừng nằm ở nước này. Hỏa hoạn tại rừng Amazon vẫn đang diễn tiến phức tạp và khói từ đám cháy thậm chí có thể nhìn thấy được từ không gian.
Vào đầu tháng này, Na Uy và Đức đã ngừng cung cấp ngân sách cho các dự án nhằm ngăn chặn quá trình chặt phá rừng ở Brazil sau khi cảm thấy quan ngại trước những dự án mà chính quyền của Tổng thống Bolsonaro đã lựa chọn có thể đáng báo động, gây hại cho rừng. Vào thời điểm đó, khi được hỏi về việc mất tài trợ từ Đức, ông Bolsonaro cho biết, “Brazil không cần điều đó”.