Bùng phát dịch bệnh sau sự kiện cộng đồng
Qua 2 làn sóng lây nhiễm hồi năm ngoái, Campuchia chỉ ghi nhận có 482 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 469 trường hợp đã hồi phục và chưa có ca tử vong nào.
Nhưng sau “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2/2021”, tính đến ngày 16/5/2021 thì Campuchia có tổng số ca nhiễm là 22.184 ca, trong đó khỏi bệnh là 12.120 ca, tử vong là 150 ca, tổng ca nhiễm nhập cảnh là 630 ca.
Nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch lần 3 này, là do một số người Trung Quốc mắc Covid-19 trốn khỏi khu cách ly tại một khách sạn 5 sao ở thủ đô Phnom Penh, sau đó thành sự cố “Lây nhiễm cộng đồng 20/2", sau hai lần bùng phát trước đó, là vào tháng 4 và tháng 11 năm 2020.
Chỉ trong vòng có 10 tiếng (từ ngày 19 đến 20/2) thì nước này đã phát hiện 32 ca lây nhiễm trong cộng đồng, khiến người dân vô cùng hoảng hốt, khi mà trước đó Campuchia được đánh giá là một trong những nước chống dịch tốt nhất khi cả hai lần bùng phát dịch, thì chưa ghi nhận một trường hợp hợp tử vong nào liên quan đến Covid-19.
Theo thông tin từ nhà chức trách, thì làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 liên quan đến một số công dân Trung Quốc đang cách ly tại một khách sạn ở thủ đô Phnom Penh, đã hối lộ nhân viên khách sạn rồi trốn ra ngoài lưu trú trong một loạt các chung cư tại thủ đô Phnom Penh. Ngay sau đó, cơ quan chức năng Campuchia đã vào cuộc và bắt giữ hai nhân viên bảo vệ tại khách sạn trên vì đã nhận tiền để một nhóm 4 người trong diện cách ly trốn ra ngoài.
Tại thời điểm đó, chuyên gia kinh tế Campuchia ước tính "Sự kiện cộng đồng 20/2" đã khiến nước này thiệt hại kinh tế ít nhất 250 triệu USD.
Phát ngôn viên Bộ Kinh tế và tài chính, ông Meas Sok Sensan, từ chối đưa ra con số cụ thể thiệt hại kinh tế bởi làn sóng dịch lần 3.
“Chúng tôi chưa thực hiện việc đánh giá cụ thể hoặc dữ liệu về mức độ ảnh hưởng của nó. Dự kiến đến cuối năm nay mới có con số cụ thể”, ông Sok Sensan cho hay.
Trước khi biến cố “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2”, thì Campuchia đã ghi nhận có 482 trường hợp mắc Covid-19, trong dó 469 trường hợp đã hồi phục và chưa có ca tử vong.
Nhưng, ngay sau “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2”, thì con số mắc mới tăng lên từng ngày. Những ngày đầu chỉ dao động ở 2 con số. Đến ngày 3/3/2021 thì hơn 10.000 người tại thủ đô Phnom Penh đã phải cách ly và điều trị, khi số ca lây nhiễm liên tục tăng. Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã ra thông báo bắt đầu thực hiện chương trình cứu đói khẩn cấp cho các trường hợp không tiếp tục mưu sinh và hỗ trợ gia đình trong thời gian cách ly 14 ngày.
Ngày 11/3, Campuchia xác nhận một trường hợp tử vong đầu tiên do mắc Covid-19. Nạn nhân là nam giới quốc tịch Campuchia, 50 tuổi là lái xe riêng cho một người Trung Quốc (cũng là bệnh nhân Covid-19 liên quan đến “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2”). Người này đã tử vong sáng cùng ngày tại Bệnh viện.
Thời điểm này, số ca mắc tại đất nước Chùa Tháp cũng chỉ dừng lại ở 2 con số và Chính phủ đang cố gắng đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 bằng cả 2 loại vaccine Sinopharm (do Trung Quốc viện trợ) và AstraZeneca (được cung cấp theo cơ chế Covax).
Đến ngày 27/3, Campuchia bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục chưa từng có là 178 ca chỉ trong một ngày. Khiến chính phủ buộc phải ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh như lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh từ ngày 6/4, cân nhắc điều trị tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ.
Ngày 9/4, số ca mắc tăng nhanh không tưởng là 576 ca, những ngày tiếp theo số ca mắc cũng quanh mức 3 con số, khi mà dịp Tết Chol Chhnam Thmay của nước này đang đến gần, khiến tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh nghiêm trọng tại Campuchia.
Ngày 14/4/2021, người dân Campuchia đón tết trong yên ắng, cùng với lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh trong 14 ngày. Các ca mắc vẫn dừng lại ở 3 con số. Trung tâm tiệc cưới được trưng dụng để làm bệnh viện dã chiến.
Ngày 18/4/2021, Chính quyền thành phố Phnom Penh tuyên bố “Vùng đỏ” ở 3 quận. Toàn bộ các ca nhiễm mới đều liên quan đến “Sự kiện cộng đồng 20/2”.
Ban hành biện pháp mạnh
Tình hình vẫn chưa khả quan, khi mà vẫn còn một bộ phận người dân xem thường lệnh cấm, vẫn tụ tập đông người buộc nhà chức trách phải ban hành biện pháp mạnh tay hơn là sẽ phạt roi người vi phạm lệnh phong tỏa.
Cụ thể nếu vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh sát quất bằng roi cảnh cáo, nếu tiếp tục tái phạm, sẽ bị phạt tiền và đến lần thứ ba sẽ phải hầu tòa.
Để cùng chia sẻ khó khăn với Campuchia, ngày 20/4/2021, Chính phủ Việt Nam đã viện trợ nhân đạo 300.000 USD cho Chính phủ Campuchia phòng chống dịch.
Trong khi tình hình vẫn rất phức tạp, thì tướng cấp cao Sum Pov bị cáo buộc liên quan tới vụ đưa 28 người Trung Quốc trốn phong tỏa khi di chuyển từ Phnom Penh tới Svay Rieng và bị bắt ngay vào đêm 21/4.
Ngày 24/4, Phnom Penh thông báo đóng cửa toàn bộ các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ dân sinh trong vòng 14 ngày, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng vì các khu chợ này được xác định là nguồn lây nhiễm lớn ra cộng đồng.
Ngày 25/4/2021, chính quyền Phnom Penh dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh và cho phép các khu du lịch mở cửa trở lại.
Ngày 26/4/2021, Campuchia gia hạn phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao thêm 01 tuần.
Theo Báo cáo về tiêm chủng Covid-19 ở các nước thành viên ASEAN, thì Campuchia xếp thứ hai khu vực ASEAN về tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 (đạt 12,40%), chỉ đứng sau Singapore với tỷ lệ 37,48%.
Ngày 27/4, thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh bắt buộc toàn bộ người dân tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal phải tiêm phòng vắc- xin Covid-19.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia thêm 400.000 liều vắc-xin Sinopharm Covid-19 nhằm góp phần hỗ trợ các nỗ lực Campuchia trong việc chống lại đại dịch Covid-19.
Như vậy, Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia tổng cộng 1,7 triệu liều Sinopharm. Ngoài ra, Campuchia đã mua 02 triệu liều Sinovac từ Trung Quốc và nhận được 324.000 liều AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX của WHO.
Ngày 3/5/2021, Campuchia ban hành Quyết định chính thức dỡ bỏ lệnh phong toả thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tỉnh Kandal kể từ ngày 6/5/2021. Nhưng sẽ vẫn thực thiện lệnh giới nghiêm từ 8h00 tối đến 3h00 sáng hôm sau.
Ngày 7/5/2021, Nhật Bản viện trợ nhân đạo cho Campuchia 35 xe cứu thương, trong tổng số 100 xe để phòng chống Covid-19.
Sáng ngày 16/5/2021, Bộ Y tế Campuchia thông báo số ca khỏi bệnh kỷ lục là 1.380 ca. Với 350 ca mắc mới, tử vong là 150 ca. Tổng ca nhiễm 22.184 ca, tổng ca nhiễm nhập cảnh là 630 ca.