Siêu thỏa thuận thương mại ở châu Á RCEP sắp được ký kết

(VOH) - Một thỏa thuận thương mại khổng lồ mất đến gần một thập kỷ đàm phán sẽ được lãnh đạo các nước châu Á ký kết vào cuối tuần này.

Siêu thỏa thuận thương mại mới nhất mang tên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (tiếng Anh: Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP). Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). RCEP sẽ được ký kết vào Chủ nhật 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37.

Hiệp định RCEP nếu được ký kết và đi vào thực thi sẽ hình thành một khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với 32% tổng GDP toàn cầu, chiếm hơn 1/3 dân số thế giới. Khu vực mậu dịch tự do này được cho là lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Mỹ, Mexico và Canada. RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong kỷ nguyên Covid-19.

Ấn Độ trước đây cũng từng có ý định tham gia đàm phán, tuy nhiên đã rút khỏi vào năm ngoái vì quan ngại mức thuế quan thấp khi ký kết sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

Nội dung RCEP được cho rằng sẽ bãi bỏ hàng loạt các loại thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa các nước thành viên trong vòng 20 năm.

RCEP cũng bao gồm các điều khoản về sở hữu trí tuệ, viễn thông, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử và các dịch vụ khác yêu cầu các nước thành viên phải tuân thủ. Trong đó, quy định mới về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm được cho là nội dung quan trọng và có ảnh hưởng nhất của thỏa thuận.

Thực tế, các quốc gia thành viên RCEP hiện đã có các hiệp định thương mại tự do với nhau, tuy nhiên các hiệp định này vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

Bà Deborah Elms từ Trung tâm Thương mại châu Á cho biết: “Các FTA hiện tại giữa các nước nếu áp dụng chung với RCEP thì có thể sẽ trở nên vô cùng phức tạp.”

Theo đó, các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ phải chịu thuế dù được áp dụng các điều khoản của FTA, vì sản phẩm của họ có thể bao gồm các thành phần được sản xuất ở nơi khác - nếu theo quy định mới về nguồn gốc xuất xứ trong RCEP. Trong khuôn khổ RCEP, sản phẩm hoặc linh kiện sản xuất đến từ bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng sẽ được xếp ngang bằng nhau, giúp các công ty có thể tìm được cho mình nhà cung cấp tốt nhất, cạnh tranh nhất.

Siêu thỏa thuận thương mại ở châu Á sắp được ký kết
Hội nghị Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP năm 2019 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: CNBC

Mặc dù RCEP được xem là sáng kiến của các nước ASEAN, tuy nhiên đây thực tế do Trung Quốc phát động và hậu thuẫn, đóng vai trò như là giải pháp thay thế và đối trọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ mà Trung Quốc không phải là quốc gia thành viên.

Năm 2016, 12 nước châu Á đã cùng ký kết TPP trước khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định này vào năm 2017. Sau đó, các nước còn lại đã cùng thành lập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Và mặc dù CPTPP ít nước tham gia hơn nhưng lại có mức ưu đãi cao hơn về các vấn đề thuế quan, nguồn lực lao động và môi trường hơn hiệp định RCEP chuẩn bị ký kết.

Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.

Đánh giá về ý nghĩa của FTA này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Bình luận