Chờ...

Số lượng cặp đôi kết hôn tăng kỷ lục, dân số Singapore vẫn già đi nhanh chóng

VOH - Số lượng các cặp đôi kết hôn tại Singapore đạt kỷ lục vào năm 2022, tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 làm hỏng kế hoạch đám cưới của nhiều người.

Theo báo cáo tóm tắt về dân số hàng năm của Chính phủ Singapore công bố hôm 29/9, có 24.767 cuộc hôn nhân diễn ra vào năm 2022, tăng từ 23.433 vào năm 2021, có thể do các cặp đôi nối lại kế hoạch đám cưới sau khi bị gián đoạn do đại dịch. 

Tuy nhiên, số lượng cuộc hôn nhân trung bình hàng năm của công dân trong 5 năm qua là 22.700, vẫn thấp hơn so với 5 năm trước đó là 23.600. 

Độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của cô dâu và chú rể là công dân là 30,5 và 28,8 tuổi vào năm 2022, tăng từ 30,1 và 27,7 tuổi vào năm 2012.

dân số Singapore
Nhìn chung, tổng dân số Singapore đạt 5,92 triệu người vào tháng 6/2023, tăng 5% so với tháng 6/2022 - Ảnh:  Straits Times

Thống kê cho thấy, có 30.429 công dân sinh ra vào năm 2022, giảm 4% so với 31.713 vào năm 2021, với tổng tỷ suất sinh (TFR) của cư dân đạt mức thấp lịch sử là 1,04 vào năm 2022.

Do sinh ít hơn và tuổi thọ dài hơn, dân số Singapore tiếp tục già đi nhanh chóng.

Tỷ lệ công dân từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với thập kỷ trước. Theo báo cáo, tỷ lệ công dân từ 65 tuổi từ 11,7% vào năm 2013, đã tăng vọt lên 19,1% vào năm 2023. Đến năm 2030, khoảng 1/4 công dân, tương đương 24,1% dân số Singapore ở độ tuổi từ 65 trở lên. 

Báo cáo của Phòng Tài năng và Dân số Quốc gia cho biết, một nhóm lớn “những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số” – những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964 – đã bắt đầu bước vào độ tuổi sau 65. Những cá nhân này sẽ ở độ tuổi từ 59 đến 77 vào năm 2023. 

Nhìn chung, tổng dân số Singapore đạt 5,92 triệu người vào tháng 6/2023, tăng 5% so với tháng 6/2022.

Báo cáo cho biết, tổng tốc độ tăng dân số trung bình trong 5 năm qua tương đương với giai đoạn 5 năm trước đó, có tính đến sự sụt giảm tổng dân số vào năm 2020 và 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Giáo sư xã hội học Paulin Straughan - Đại học Quản lý Singapore cho biết, việc chuẩn bị cho một xã hội già đi “không phải chỉ là diệt vong và u ám”. 

Thay vào đó, nên suy nghĩ lại về cách tận dụng tuổi thọ kéo dài, cho dù đó là về việc làm, giáo dục và học tập suốt đời hay có đủ tiền để nghỉ hưu, bà nói.