Chất lượng không khí tại thành phố này giảm xuống mức nguy hiểm, khiến tầm nhìn giảm gần như bằng không ở một số khu vực, gây ra tình trạng chậm trễ đối với nhiều chuyến tàu và chuyến bay.
Theo xếp hạng ô nhiễm không khí của IQAir, tổ chức giám sát chất lượng không khí từ Thụy Sĩ, Delhi đứng thứ ba trong danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp hủy chuyến bay nào, người đại diện của sân bay tại Delhi cảnh báo rằng, các máy bay không được trang bị thiết bị hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn thấp có thể gặp khó khăn. Các hãng hàng không IndiGo và SpiceJet cũng lên tiếng cảnh báo khả năng chậm trễ do điều kiện thời tiết xấu.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại New Delhi đạt mức 351. AQI là thước đo năm loại chất ô nhiễm chính và chất lượng không khí được coi là “tốt” khi dưới 50.
Ứng dụng Sameer của chính phủ trung ương xác nhận, chỉ số AQI tại New Delhi ở mức "rất kém", tình trạng đã kéo dài tại Delhi kể từ khi mùa đông bắt đầu. Vùng Thủ đô Quốc gia (NCR) cũng ghi nhận chỉ số AQI tương tự, dao động từ 214 đến 291.
Sau một thời gian ngắn cải thiện nhờ mưa vào ngày 01/01, chất lượng không khí tại Delhi nhanh chóng xấu đi, quay trở lại mức "kém" vào ngày 03/01.
Năm 2024, Delhi trải qua tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng với 17 ngày được phân loại ở mức "nghiêm trọng" khi chỉ số AQI vượt trên 400, mức cao nhất kể từ năm 2022.
Bên cạnh không khí độc hại, Delhi chìm trong sương mù dày đặc khiến tầm nhìn giảm mạnh ở nhiều khu vực.
Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo, tình trạng sương mù và đợt không khí lạnh sẽ kéo dài đến cuối tuần, với nhiệt độ dao động từ 8,5°C đến 20°C.
Theo dự báo, ngày 06/01 có thể sẽ có mưa nhẹ đến vừa, mang lại hy vọng cải thiện tạm thời chất lượng không khí và tầm nhìn cho New Delhi.
Trước tình trạng ô nhiễm nguy hại, các chuyên gia y tế kêu gọi người dân nơi đây hạn chế các hoạt động ngoài trời, đặc biệt vào sáng sớm và buổi tối, khi mức độ ô nhiễm thường cao nhất.
Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng máy lọc không khí trong nhà và tránh các nơi thông gió kém để giảm thiểu rủi ro sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý hô hấp.