Chờ...

Tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông

VOH - Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc có những “hành động nguy hiểm”, dẫn đến va chạm giữa một tàu tuần duyên Philippines và một tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông ngày 5/3, Reuters đưa tin.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X kèm theo video video clip ghi lại khoảnh khắc các con tàu va vào nhau, ông Jay Tarriela, người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG), cho biết hôm nay 5/3 khi các tàu hải quân và cảnh sát biển Philippines khi đang làm nhiệm vụ tại bãi Cỏ Mây thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc cản đường.

“Hành động liều lĩnh và bất hợp pháp của họ đã dẫn đến vụ va chạm giữa tàu MRRV-4407 (tức tàu BRP Sindangan) và tàu hải cảnh Trung Quốc 21555, khiến tàu tuần duyên Philippines bị hư hại nhẹ về cấu trúc”, trích bài đăng của ông Jay Tarriela.

Sau va chạm, Philippines cho hay nhóm tàu của họ tiếp tục nhiệm vụ tiếp tế, nhưng cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng khiến 4 thủy thủ bị thương.

Quân đội Philippines cho biết tàu của lực lượng PCG đang tiến hành hỗ trợ sứ mệnh vận chuyển lương thực cho một số binh sĩ Philippines đồn trú trái phép trên tàu chiến cũ mà Manila cho neo đậu từ năm 1999 ở bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam (tên tiếng Anh: bãi cạn Second Thomas).

Tàu cảnh sát biển Philippines (sàn màu xanh dương) va chạm tàu hải cảnh Trung Quốc (sàn màu xanh lá) trên Biển Đông ngày 5/3/2024 - Video: PCG

Tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông
Lực lượng Cảnh sát biển Philippines kiểm tra thân tàu sau va chạm với tàu Trung Quốc - Ảnh: PCG

Cùng ngày, hải cảnh Trung Quốc cũng ra tuyên bố cho biết lực lượng nước này đã thực hiện "các biện pháp kiểm soát" nhằm ngăn chặn tàu Philippines tiến vào vùng biển gần Nhân Ái Tiêu (cách Bắc Kinh gọi bãi Cỏ Mây).

Bãi Cỏ Mây là một thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm giữ trái phép. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền vô căn cứ với thực thể này.

Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.