Đảng Tiến bước (MFP) hôm thứ Năm 18/5 tuyên bố rằng đã thành lập một liên minh 8 đảng với đa số phiếu ở Hạ viện để thành lập một tân Chính phủ, mặc dù có khả năng không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ Thượng viện Thái Lan đang có ý định cản trở kế hoạch của đảng này về việc cải cách chế độ Quân chủ.
Liên minh do MFP lãnh đạo có 313 thành viên trong Hạ viện có tổng cộng 500 ghế.
Trong đó, MFP có 152 ghế, 7 chính đảng khác nắm trong tay 161 ghế trong Quốc hội đã nhất trí ủng hộ lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat làm ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng Thái Lan.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể thành lập một Chính phủ mới. Liên minh của tôi đã hình thành và rất cứng cáp. Có động lực và tiến triển, đồng thời chúng tôi đã có một lộ trình rất rõ ràng từ hôm nay cho đến ngày tôi trở thành tân Thủ tướng Thái Lan”, Pita phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bangkok.
“Tổ thực hiện công việc được thành lập để giải quyết bất đồng ý kiến giữa các đảng và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao quyền lực, tránh những bất ổn có thể gây thiệt hại cho đất nước hoặc nền kinh tế quốc gia. Đó sẽ là một Chính phủ của hy vọng, một Chính phủ của sự thay đổi. Chúng tôi sẽ trung thành với ý nguyện của người dân và sẽ là Chính phủ của tất cả mọi người”, Pita cho biết thêm.
Đảng Tiến bước (MFP) được sự ủng hộ từ tầng lớp thanh niên mới, đã cam kết giảm bớt ảnh hưởng từ quân đội, cải cách chế độ Quân chủ và mở cửa nền kinh tế độc quyền, đã giành được 36,23 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 14/5.
Nhưng trên thực tế thì Thủ tướng tạm quyền Prayuth Chan-O-Cha, người đã lãnh đạo Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, vẫn có cơ hội tiếp tục là Thủ tướng nếu liên minh MFP không thành lập được Chính phủ. Đảng của UTN của ông Prayuth Chan-O-Cha giành được 36 ghế trong quốc hội.
Hệ thống chính trị Thái Lan điều hành bởi quân đội cho phép Thượng viện với 250 ghế được bầu chức vụ Thủ tướng cùng với 500 ghế trong Quốc hội. Một thủ tướng cần sự ủng hộ của ít nhất 376 phiếu bầu tại Quốc hội và Thượng viện, nghĩa là ngay cả khi đảng của Pita với 313 ghế tại Hạ viện, thì con đường đến với chức Thủ tướng của ông cũng cần có thêm sự ủng hộ của 63 thành viên trong Quốc hội hoặc Thượng viện.
Trong trường hợp không có đủ số phiếu sự ủng hộ, bất kỳ một đảng nào khác cũng có thể huy động và thành lập một liên minh, sau đó đề cử ứng cử viên cho chức Thủ tướng của mình để Quốc hội và Thượng viện phê chuẩn.
Trước đó, chính đảng đứng thứ ba của Thái Lan đã khẳng định sẽ không bỏ phiếu bầu cho Thủ tướng nào ủng hộ sửa đổi luật xúc phạm Quốc Vương.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng bất kỳ bế tắc chính trị nào, cũng có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình, đẩy Thái Lan trở lại tình trạng hỗn loạn, với việc cuối cùng thì quân đội sẽ can thiệp như đã từng làm trước đây trong cuộc đảo chính năm 2014.
Giáo sư Pavida Pananond tại đại học Thammasat nói với Straits Times rằng: “Nếu Thượng viện quyết định đi ngược lại nguyện vọng của người dân, thì sẽ có lời kêu gọi những người ủng hộ ra đường và phản đối, điều này sẽ gây ra tình trạng bất ổn, dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố, đó có thể là một cái cớ khác để quân đội can thiệp vào”.