Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới cập nhật hướng dẫn về chiến lược xét nghiệm để phù hợp với tình hình dịch COVID-19 phức tạp bao gồm cả biến thể lưu hành ở nhiều nước trên thế giới.
Bản cập nhật hướng dẫn mới đưa ra các khuyến nghị cho các chiến lược xét nghiệm cấp quốc gia và sử dụng xét nghiệm PCR và các loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong bối cảnh các ổ dịch COVID-19 diễn biến khác nhau và phức tạp.
Trong bối cảnh nguồn lực thấp, khuyến cáo đưa ra hướng dẫn xét nghiệm hợp lý để đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả.
Xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời, chính xác là công cụ thiết yếu nhằm ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Mọi xét nghiệm cần đi kèm theo các biện pháp ứng phó y tế bao gồm cách ly người dương tính với COVID-19 cũng như chăm sóc chữa trị cho người bệnh, truy vết và theo dõi các trường hợp tiếp xúc với ca dương tính.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom, thế giới cần 250 triệu liều vắc-xin COVID-19 bổ sung vào tháng 9 tới đây để đảm bảo ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia nhận được vắc xin.
Ông cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang vật lộn để tìm nguồn cung vắc-xin.
“Hơn 2 tỷ liều vắc xin hiện đã được cung cấp trên toàn cầu, nhưng chưa đến một nửa được sử dụng ở các nước thu nhập thấp”, ông Tedros khẳng định.
Trước đó WHO cũng cảnh báo trước nguy cơ các nước mua vắc xin với giá quá cao qua các đơn vị trung gian. WHO cũng cảnh báo các nước nên mua vắc xin được WHO chứng nhận và đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Chuyên gia y tế của WHO cho biết thêm: “Có rất nhiều sản phẩm liên quan đến dịch bệnh COVID-19 không đạt tiêu chuẩn và giả mạo đang được bán trên thị trường, vì vậy khi mua cần phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Lời khuyên của WHO là các quốc gia sử dụng vắc-xin đã được đưa vào danh sách khẩn cấp và phê duyệt sử dụng.
Sự chênh lệch trong phân phối vắc xin đã làm dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới làm vắc xin ngừa COVID-19 trở nên ít hiệu quả.
“Càng chia sẻ liều vắc xin càng sớm thì chúng ta càng sớm có thể tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới. Nếu làm điều này càng sớm, chúng ta càng có thể sớm kết thúc đại dịch và thúc đẩy một sự phục hồi toàn cầu”, lãnh đạo WHO nhấn mạnh.